Ngày 25-8, Sở Công Thương TP.HCM, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM và Ban quản lý khu công nghệ cao tổ chức chương trình "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023 - SFS 2023".
Nhiều doanh nghiệp Mỹ, Hàn
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Huỳnh Minh Tú, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên kết để thực hiện các hợp đồng gia công, tăng khả năng tiếp cận với các đối tác, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong - ngoài nước và các nhà đầu tư, mở rộng thị trường, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Qua 6 lần tổ chức, hội nghị đã cập nhật nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn mới từ các nhà mua hàng là các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối... có nhu cầu nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu".
SFS 2023 có sự tham gia của 22 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với tư cách là nhà mua hàng, bao gồm: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam, Công ty TNHH Nextern Việt Nam, Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics Việt Nam, Công ty TNHH Nidec Powertrain System Việt Nam…
Bên cạnh những đại diện quen thuộc đã xuất hiện trong các hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp các năm trước, SFS 2023 còn có các đại diện mới từ Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam như Công ty TNHH Sharp Manufacturing Vietnam, Công ty TNHH Won Seal Tech, Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Service, Công ty TNHH MTV công nghệ cao Điện Quang, Công ty TNHH tổ hợp cơ khí Thaco...
22 doanh nghiệp với danh mục hơn 350 chi tiết linh kiện có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước thuộc các ngành nghề: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp…
Doanh nghiệp muốn tăng nhập vật tư tại Việt Nam
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại hội nghị, bà Lê Thị Mỹ Loan, đại diện Công ty TNHH Sharp Manufacturing Vietnam, cho biết đơn vị đã đặt lịch làm việc với hơn 20 nhà cung cấp trong nước; theo đó, tiêu chí đặt ra là chất lượng, giá thành, thời hạn giao hàng.
Theo bà Loan, dù áp dụng nhiều chính sách để gia tăng nhưng hiện nguồn cung nguyên vật liệu của Việt Nam cho sản xuất đồ điện gia dụng chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại 50% đơn vị phải nhập khẩu, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc.
"Hàng nhập đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt sản phẩm về mạch điện, dây điện, khuôn ép, nhưng nguồn cung thường bấp bênh, giá cũng cao dần do ảnh hưởng khâu vận chuyển xa. Do đó, chúng tôi mong muốn sử dụng ngày càng nhiều nguyên vật liệu được sản xuất tại Việt Nam. Theo mục tiêu đơn vị, đến hết năm 2024, tỉ lệ nguồn cung nguyên vật liệu trong nước sẽ chiếm 90%", bà Loan nói.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Bá Linh, giám đốc sản xuất Công ty công nghệ cao Điện Quang, cho biết hai mục tiêu chính khi tham gia SFS 2023 là tìm kiếm khách hàng và mở rộng nhà cung cấp. Trước đó, khi tham gia SFS 2022, Điện Quang đã tìm được trên 10 nhà cung cấp và tại chương trình năm nay, công ty muốn tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thêm danh mục nhà cung cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận