Tại hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ" do Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM tổ chức chiều 11-5, các doanh nghiệp đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành để đẩy nhanh hơn nữa việc giảm lãi suất cho vay. Trong khi đó, các ngân hàng cho biết đang nỗ lực giảm lãi suất!
Lãi suất cao, khó tiếp cận vốn
Bà Lý Kim Chi, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay cũng đã hạ nhiệt nhưng chưa nhiều, xoay quanh mức 10%/năm. Thêm vào đó Ngân hàng Nhà nước nên đề nghị các ngân hàng khi đánh giá lại tài sản thế chấp, khả năng trả nợ khi xét duyệt cho vay cần "nhẹ tay" hơn.
"Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm ngay trong tháng 5 này để thúc đẩy hơn nữa việc giảm lãi suất cho vay. Không nên vì thị trường bất động sản đóng băng mà giảm tỉ lệ phê duyệt cho vay vì như thế doanh nghiệp khó lại chồng khó", bà Chi nói.
Nhiều đại biểu cho rằng có tình trạng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua chưa phát huy được tác dụng. Theo bà Huỳnh Thị Phúc - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua nhiều doanh nghiệp quá khó khăn đã phải bán tài sản đảm bảo để duy trì sản xuất. Một số ngân hàng đã đưa ra các gói vay ưu đãi nhưng doanh nghiệp không đạt được các điều kiện để tiếp cận.
"Trong điều kiện hiện nay cần có chính sách linh hoạt chứ nếu vẫn giữ các điều kiện như cũ, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn. Thêm vào đó, dù doanh nghiệp đã rất khó khăn rồi, thế nhưng hiện tượng các ngân hàng ép phải mua bảo hiểm mới được vay vốn vẫn tiếp diễn. Mong Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh vấn đề này", bà Phúc nói.
Sẽ cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành
Cũng tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tăng trưởng toàn nền kinh tế chậm lại trong quý 1 và đến ngày 27-4, tín dụng cả nước mới tăng 3,04%, chủ yếu do xuất khẩu giảm 20%, sản xuất kinh doanh khó khăn, không có đầu ra, đơn hàng giảm, thị trường thu hẹp kéo theo nhu cầu vay vốn giảm.
Với nhóm này, tháo gỡ khó khăn là tháo gỡ khó khăn đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, chứ không phải là vấn đề tín dụng. Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước rất mong muốn giải quyết được các kiến nghị từ doanh nghiệp và người dân. Ngành ngân hàng cũng rất mong muốn giảm lãi suất và trên thực tế lãi suất đã giảm, dù chưa được như mong muốn.
Cũng theo bà Hồng, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không chỉ là giải quyết một vấn đề, điều hành đạt nhiều mục tiêu đồng thời. Đó là vừa phải tăng trưởng tín dụng, ổn định tỉ giá, giảm lãi suất... nên Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
"Qua ý kiến phản ánh của địa phương, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm thêm lãi suất điều hành. Các ngân hàng cũng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay", bà Hồng khẳng định.
Gần 50% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết tháng 4 vừa qua, kinh tế TP đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ năm ngoái, số vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm 23,45%. Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, gần 50% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, giữ lao động, hầu như không có nhu cầu tín dụng do không có thị trường.
Dự báo, các tháng còn lại, kinh tế TP.HCM tiếp tục đối mặt khó khăn thách thức, doanh nghiệp thành lập mới gặp khó khăn, đầu tư gặp khó khăn trong và ngoài nước. "Các doanh nghiệp đều mong muốn lãi suất giảm xuống còn 7 - 8%/năm và mong có các giải pháp về vốn, tín dụng, kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giãn, hoãn, không chuyển nhóm nợ xấu đối với các trường hợp khó khăn", ông Mãi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận