Nhiều đề xuất, mong mỏi khác cũng đã được nêu ra tại tọa đàm - sự kiện đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21.
Đi cùng với đó là những băn khoăn, trăn trở làm thế nào để tận dụng tốt các lợi thế sẵn có, không để từ hy vọng thành thất vọng.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ
"Chính phủ hãy coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng của mình, bởi vì chúng tôi đóng thuế cho Chính phủ. Chúng tôi cũng mong Bộ Ngoại giao coi doanh nghiệp là khách hàng, bởi tôi tin khi đã xem doanh nghiệp là khách hàng, lãnh đạo bộ sẽ có KPI cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài", Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa nêu suy nghĩ trong tọa đàm.
Theo ông Khoa, nói về KPI này cũng có nhiều cấp. Nếu giao KPI "mạnh" thì là bao nhiêu tỉ USD đem về cho đất nước mỗi năm, nếu KPI "nhẹ hơn" thì là số cuộc các cơ quan đại diện Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng.
Và KPI "nhẹ hơn nữa" là số buổi các cơ quan này giải đáp, thông báo về những chính sách, quy định của nước sở tại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, làm ăn với nước ngoài.
Ông Khoa khẳng định trong những năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã nhận được nhiều hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao nói chung, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.
Ông chia sẻ câu chuyện doanh nghiệp này vừa giành được một hợp đồng lớn ở Mỹ, thắng được đối thủ cạnh tranh đến từ Ấn Độ chỉ nhờ trả lời một câu hỏi là "Công ty của các anh có công nhận giới tính thứ ba không?".
Nói ra điều này, ông Khoa bày tỏ các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có thể chia sẻ thêm thông tin sâu sát hơn về văn hóa, quy định sở tại với doanh nghiệp.
Cũng tại tọa đàm, một số doanh nghiệp cũng nêu các đề xuất và mong mỏi tương tự. Trong đó nhấn mạnh đặc biệt cần chia sẻ thông tin về quy định, chính sách khu vực phụ trách cho doanh nghiệp Việt Nam; thứ hai là kinh nghiệm phát triển ở nước ngoài để đi tắt đón đầu.
Thứ ba là kết nối, xúc tiến thương mại và đầu tư cho địa phương, doanh nghiệp Việt Nam quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Để giảm rủi ro cho việc ra nước ngoài, các doanh nghiệp cũng mong muốn có tư vấn về chính sách pháp lý, đặc biệt ở những thị trường lớn nhưng có hệ thống pháp luật phức tạp và chồng chéo, nhiều quy định như Mỹ, Liên minh châu Âu.
Các cơ quan đại diện luôn cởi mở thông tin
Bên lề tọa đàm, các đại sứ và tổng lãnh sự Việt Nam tại Mỹ và Trung Quốc nhận được sự quan tâm lớn của báo chí. Đây là hai nước Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ hoặc làm sâu sắc hơn quan hệ ở tầm mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ, đang có một làn sóng mới thu hút quan tâm của doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam. Mối quan tâm bắt đầu từ một số ít doanh nghiệp nhưng sau đó tạo hiệu ứng lan tỏa, từ doanh nghiệp này tới doanh nghiệp khác.
"Gần đây, các sự kiện do mình hay phía bạn tổ chức đều thu hút rất đông doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp đã đầu tư thì muốn mở rộng, các doanh nghiệp chưa đầu tư thì quan tâm, tìm hiểu và bày tỏ với chúng tôi ý định vào Việt Nam", ông Dũng nói thêm.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Đỗ Nam Trung thì chọn lát cắt thương mại nông sản khi trả lời câu hỏi của báo chí về triển vọng thương mại Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua. Nói với Tuổi Trẻ, ông Trung cho biết hiện nay không chỉ Việt Nam đang muốn tăng cường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mà cả phía bạn cũng muốn xuất khẩu nông sản cao cấp sang Việt Nam.
Theo ông Trung, thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tận hưởng "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Vị trí địa lý thuận lợi giúp nông sản Việt Nam đang có ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh khác.
Tuy nhiên để tiếp tục giữ ưu thế này và nâng chất lượng sản phẩm, cần tính đến khâu vận chuyển sao cho hợp lý, vừa đảm bảo giá cả cạnh tranh vừa đảm bảo tính tươi ngon, từ nơi thu hoạch đến bàn ăn.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh cũng lưu ý để bảo đảm tính bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến chữ tín trong làm ăn, đảm bảo chất lượng nông sản và nguồn gốc xuất xứ.
Với các mong muốn của doanh nghiệp, các trưởng đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cho biết họ luôn cởi mở về thông tin đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, thực tế và bền vững hơn.
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu Nguyễn Văn Thảo cho biết trong khi nhiều nước khác rất khát khao các hiệp định thương mại tự do để tạo luồng thuận lợi cho doanh nghiệp, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định như vậy.
"Doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng, phải đảm bảo được nguồn cung ổn định thì mới tận dụng được hiệp định thương mại tự do, chứ nếu không rất lãng phí cả một định hướng đúng đắn, cả một quá trình đàm phán để có được hiệp định", ông Thảo nói.
Các doanh nghiệp cần thực tế
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các doanh nghiệp, địa phương nên chủ động tiếp cận các đối tác, tham gia các diễn đàn, hội thảo, hội chợ để tìm hiểu đối tác về năng lực, nhu cầu của họ.
Các doanh nghiệp cũng cần phải thực tế, soi vào điều kiện của mình để nhận ra mình có gì, thiếu gì để khắc phục. Các bộ ngành sẽ phối hợp với nhau, phối hợp với địa phương để tháo gỡ vướng mắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận