29/05/2021 07:47 GMT+7

Doanh nghiệp muốn cùng Chính phủ lo vắcxin

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Chiều 28-5, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị trực tuyến quy mô lớn với hàng chục hiệp hội, DN để đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19.

Doanh nghiệp muốn cùng Chính phủ lo vắcxin - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân thuộc Công ty TNHH Fuhong, KCN Đình Trám, huyện Việt Yên (Bắc Giang) - Ảnh: Việt Nga

Lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp (DN) lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày, gỗ, sữa… đều có mặt và cùng kiến nghị được đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vắc xin, chi trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động để sớm khôi phục sản xuất.

Sốt ruột chờ vắc xin

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - ủy viên BCH Hiệp hội Điện tử VN, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ - cho hay ngành điện tử, công nghiệp phụ trợ đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất khi dịch đánh thẳng vào "thủ phủ" công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh. 

"Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều DN mong muốn được trực tiếp chi trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động. 

Đồng thời có cơ chế cho DN huy động các kênh, mối quan hệ để kết nối, đàm phán và hỗ trợ Chính phủ mua được vắc xin trên nguyên tắc Nhà nước, Bộ Y tế phê duyệt, kiểm soát và quản lý chất lượng vắc xin nhập về, triển khai tiêm cho người lao động" - bà Hương kiến nghị.

Tương tự, ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, ngành có trên 3 triệu lao động - cho hay các DN đang sốt ruột chờ vắc xin. Theo ông Giang, ngành may hiện nay có rất nhiều DN FDI có mối quan hệ và uy tín với chính phủ các nước châu Âu, châu Mỹ, có thể kết nối để giới thiệu việc nhập khẩu vắc xin thuận lợi hơn.

Ông Vũ Tú Thành - phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN - cũng cho rằng cộng đồng DN FDI tại VN, đặc biệt là những DN dược sản xuất vắc xin COVID-19 của Mỹ và châu Âu đang có hoạt động sản xuất kinh doanh ở VN, có thể tác động công ty mẹ để ưu tiên nguồn cung, đàm phán giá.

Dẫn chứng ngay tại hội nghị, bà Đỗ Hồng Hạnh, thành viên Hiệp hội Dệt may VN và là nhóm công tác Liên hiệp hội dệt may VN - Hoa Kỳ, cũng xác nhận có những DN sẵn sàng kết nối với các đơn vị sản xuất vắc xin, đảm bảo những điều kiện tối ưu. 

Đơn cử như có đơn vị đàm phán nhà cung cấp có thể đưa vắc xin về tận sân bay, kiểm nghiệm chất lượng mới phải thanh toán, thậm chí có thể đàm phán để chuyển giao công nghệ. "Nếu có cơ chế cho tư nhân tham gia thì việc đưa vắc xin về VN sẽ nhanh hơn nhiều khi quá trình tiếp cận được đa dạng hơn, chủ động hơn" - bà Hạnh nói.

Cần có cơ chế xã hội hóa vắc xin

Tham khảo mô hình của Indonesia, ông Cao Hoàng Nam, giám đốc đối ngoại và truyền thông PepsiCo VN - cho hay nước này đã có chính sách cho các DN được tham gia đóng góp chi phí để tiêm vắc xin cho người lao động và gia đình. 

 "Cách triển khai của Indonesia là bộ y tế chỉ định các đầu mối được ủy quyền nhập khẩu vắc xin, tiêm chủng, sau đó phòng thương mại và hiệp hội gửi danh sách dữ liệu tiêm chủng, trên cơ sở đó DN đăng ký mua và tiêm cho người lao động. 

Vắc xin được sử dụng phải đáp ứng quy định của WTO hoặc bộ y tế nước này chấp thuận. Đó là mô hình cần tham khảo để huy động sức mạnh cộng đồng" - ông Nam nói.

Ông Ngô Sỹ Hoài - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN - đặt vấn đề: "Trong tình thế cấp bách, ngoài việc hình thành Quỹ vắc xin COVID-19, các đơn vị góp tiền ủng hộ thì liệu có cách nào khác không? 

Rõ ràng vấn đề xã hội hóa không chỉ là kinh phí chi trả cho việc tiêm vắc xin mà cả khả năng tiếp cận đưa vắc xin về VN một cách sớm nhất, đặc biệt huy động nguồn lực từ các FDI là rất cần thiết".

Bà Huỳnh Thị Mỹ - tổng thư ký Hiệp hội Nhựa VN - cũng đồng tình với việc DN đóng góp cùng Chính phủ tiếp cận nguồn và mua vắc xin, trong bối cảnh chúng ta đang vất vả tìm nguồn. 

Bà đề xuất VCCI cùng các hiệp hội DN có kiến nghị với Chính phủ để làm việc trực tiếp với Bộ Y tế về cách thức triển khai, trình Chính phủ thông qua làm cơ sở cho DN được tham gia hỗ trợ việc mua vắc xin.

Ông Trần Quang Trung - chủ tịch Hiệp hội Sữa VN - cho hay DN chỉ mong chờ có cơ chế được ủng hộ xã hội hóa cho tiêm vắc xin, sẵn sàng chi trả để chung tay cùng Chính phủ. Ông Trung đề nghị VCCI cần sớm có buổi làm việc với Bộ Y tế, Chính phủ bàn thảo kỹ hơn về vấn đề này.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch VCCI, cộng đồng DN hoan nghênh Chính phủ chủ động tìm nguồn vắc xin để tiêm miễn phí cho người dân, nhưng trong tình cảnh "nước sôi lửa bỏng" này, việc chung tay và tham gia đóng góp của cả xã hội là cần thiết. 

"DN mong muốn được chung tay tìm nguồn và chi trả chi phí, đóng góp kinh phí chia sẻ gánh nặng với Chính phủ. VCCI sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị và đề xuất có buổi làm việc với Thủ tướng, Ban Chỉ đạo COVID-19 và Bộ Y tế để sớm có giải pháp thiết thực nhất" - ông Phòng nói.

Các doanh nghiệp muốn góp tay tìm vắc xin vì có kinh nghiệm lẫn quan hệ Các doanh nghiệp muốn góp tay tìm vắc xin vì có kinh nghiệm lẫn quan hệ

TTO - Cho rằng việc lo nguồn vắc xin để sớm tiêm cho người dân trên diện rộng là cấp bách, đang trong tình thế "nước sôi lửa bỏng", cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế để doanh nghiệp đồng hành.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên