Diễn đàn Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp, nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức chiều 11-4.
Theo ông Trần Viết Nguyên - phó ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn điện mặt trời mái nhà có công suất đạt 9.500 MW. Trong số này hệ thống điện đã huy động được 4.500 MW tại các khu công nghiệp, đóng góp cho cung ứng điện.
Đầu tư điện mặt trời mái nhà để có chứng chỉ xanh
Tuy nhiên, nguồn điện này cũng có những thách thức trong phát triển, đó là nếu nguồn điện này xâm nhập nhiều vào hệ thống, cần phải có dự phòng lớn để đảm bảo ổn định.
Vì vậy, định hướng phát triển điện mặt trời mái nhà sắp tới theo Quy hoạch điện 8 sẽ theo tính chất “tự sản tự tiêu”, nguồn nối lưới chỉ có quy mô công suất 2.600 MW. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế khuyến khích.
Trong đó, dự kiến sẽ có hai loại hình phát triển. Bao gồm nguồn điện mặt trời có nối lưới điện quốc gia, trước hết ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng. Loại thứ hai là dự án điện mặt trời mái nhà không nối lưới vào hệ thống.
“EVN đang rất cần các nguồn điện này để góp phần đảm bảo cung ứng điện. Vì các nguồn điện truyền thống đầu tư cần thời gian, trong khi điện mặt trời mái nhà phát triển nhanh, huy động được nguồn lực xã hội, lại đáp ứng yêu cầu năng lượng xanh” - ông Nguyên nói.
Sốt ruột khi chính sách chậm ban hành, ông Trương Văn Cẩm - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho hay ngành dệt may cần nguồn năng lượng xanh để có chứng chỉ xanh sản xuất sản phẩm, nên đã có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp lắp đặt điện mái nhà.
Tuy nhiên, từ năm 2021 khi cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời theo quyết định 13/2020 không còn hiệu lực, có dự án phải dừng lại, hoặc dù đã lắp đặt nhưng chưa được đấu nối. Điều này theo ông Cẩm, tạo nên "khoảng trống pháp lý".
Vì vậy, trong chính sách mới đây, ông Cẩm cho rằng cần làm rõ khái niệm “tự sản tự tiêu”, gắn với chính sách tổng thể và hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư, an toàn phòng cháy, hoặc cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện.
Tương tự, bà Trần Tố Loan - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ - cho biết nhà đầu tư rất quan tâm các khu công nghiệp có năng lượng tái tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tuy vậy, chính sách hiện nay lại chưa rõ ràng nên việc lắp đặt hệ thống này gặp khó khăn.
Cần sớm hoàn thiện chính sách
Đồng tình, ông Nguyễn Vũ Chiên - phó trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định -cho hay rất nhiều nhà máy có nhu cầu kết nối và ký hợp đồng sử dụng điện mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên từ sau khi ngành điện thông báo dừng thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời, làm cho doanh nghiệp “mất phương hướng” trong đầu tư.
Chưa kể, chi phí phải bỏ ra cho 1 MW điện cần khoảng 13 tỉ đồng, trong khi nguồn điện mặt trời ở miền Bắc hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp lo ngại rủi ro trong việc thu hồi vốn khi chưa có cơ chế cụ thể từ Chính phủ.
Ông Lã Hồng Kỳ - chuyên viên chính văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng - cho hay dù chưa có chính sách khuyến khích, chưa có thỏa thuận đấu nối, nhưng từ năm 2021 đến nay đã có 400 MW điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp và khu thương mại được lắp đặt, do các doanh nghiệp có nhu cầu chứng chỉ xanh trong sản xuất.
Vì vậy, với nhiều thủ tục hiện còn vướng, ông Kỳ kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, quy trình lắp đặt, thử nghiệm, vận hành bảo dưỡng, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng thiết bị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận