31/08/2007 08:04 GMT+7

Doanh nghiệp "ma" ngày càng nhiều

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TT - Hiện nay đang xuất hiện không ít công ty “ma” được lập ra để mua bán hóa đơn hoặc nhập hàng hóa và... biến mất trong vòng vài chục ngày.

abrCpwj0.jpgPhóng to
TT - Hiện nay đang xuất hiện không ít công ty “ma” được lập ra để mua bán hóa đơn hoặc nhập hàng hóa và... biến mất trong vòng vài chục ngày.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo của thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - tại hội nghị sơ kết bốn năm thực hiện qui chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan được tổ chức ngày 30-8 ở TP Vũng Tàu. Những con số thống kê tại hội nghị cho thấy loại tội phạm này ngày càng đông về số lượng, nhiều thủ đoạn mới và hầu như tỉnh thành nào cũng có.

Lập DN rồi... bỏ trốn

Quan ngại thời hội nhập

VN đã chính thức trở thành thành viên của WTO, đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước ta cũng đang tiếp tục hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Dự báo tình hình tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán giấy tờ có giá giả sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, với thủ đoạn tinh vi và mang màu sắc quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trương Chí Trung, thời kỳ này việc tính thuế nhập khẩu hàng hóa phải căn cứ theo giá trị ghi trên hợp đồng mua bán nên rất dễ bị các DN lợi dụng để trốn thuế bằng cách ghi thấp giá trị hàng hóa trên hợp đồng so với thực tế.

Thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết qua kiểm tra, cơ quan công an phát hiện hầu hết những doanh nghiệp (DN) “ma” đều lấy địa chỉ “ma” hoặc địa chỉ của những cơ quan, đơn vị trực thuộc quân đội, công an. Cá biệt, một số DN lập ra vội vã để nhập hàng hóa nhằm trốn thuế rồi... “mất hút”, có DN chỉ tồn tại vài chục ngày. Chỉ tính riêng tại TP.HCM và Hà Nội, trong vòng ba năm qua đã có khoảng 13.500 DN “ma”. Trong đó, các cơ quan chức năng tại Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện, lên danh sách hơn 6.700 DN bỏ trốn khỏi nơi kinh doanh, còn ở TP.HCM con số này là trên 6.800 DN.

Thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình cũng nói rằng trong ba năm qua lực lượng công an đã phối hợp với ngành thuế, hải quan kiểm tra và phát hiện trên 720 vụ mua bán và sử dụng trái phép hóa đơn, gây thiệt hại trên 546 tỉ đồng (đã thu hồi trên 199 tỉ đồng). Trong đó, có trên 200 vụ án với 606 đối tượng bị khởi tố hình sự.

Qua nhiều vụ án lớn, ngành công an nhận thấy: thời gian đầu khi Nhà nước áp dụng hóa đơn GTGT thì xuất hiện loại tội phạm chỉ đơn giản là mua, bán sử dụng trái phép hóa đơn, dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ xuất khẩu hàng hóa khống rồi sau đó chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Khi thủ đoạn này bị lật tẩy, các đối tượng tội phạm liền chuyển sang trục lợi bằng cách mua bán hóa đơn GTGT để chiếm đoạt tiền thuế nhà nước.

Mua bán hóa đơn ngày càng chuyên nghiệp

Các báo cáo tại hội nghị cho thấy tình hình tội phạm mua bán hóa đơn ngày càng có tổ chức và chuyên nghiệp. Ông Lê Tấn Nẫu - phó cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ - minh chứng: “Vừa qua chúng tôi đã triệt phá và khởi tố một vụ án mà đối tượng chủ mưu là Huỳnh Quốc Ngọc đã lập đến... 36 công ty “ma” chỉ để mua bán hóa đơn”. Ngọc cùng đồng bọn đã mua 181 quyển hóa đơn GTGT với 9.050 tờ và đã bán đi 7.600 tờ cho nhiều DN trong cả nước, doanh số xuất khống đến 1.940 tỉ đồng. Hành vi của Ngọc và đồng bọn đã tạo điều kiện cho hàng trăm DN thuộc 35 tỉnh thành được hoàn thuế, khấu trừ trên thuế trên 110 tỉ đồng.

Về vấn đề này, Bộ Công an đúc kết: nếu vài năm trước loại tội phạm này hoạt động đơn lẻ, tự phát thì gần đây, cả nước đã xuất hiện hàng chục ngàn DN “ma” chỉ để mua bán hóa đơn. Việc mua bán này rất chuyên nghiệp và có tổ chức hẳn hoi, các đối tượng tội phạm có chủ ý lập DN để bán hóa đơn ngay từ đầu nên việc điều tra và khám phá gặp không ít khó khăn. Cũng theo đúc kết của ngành công an, bên cạnh loại tội phạm hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp, tội phạm mua bán hóa đơn còn “núp bóng” các DN có kinh doanh thực tế nhưng cũng sẵn sàng bán hóa đơn nếu có người cần mua.

Dù công tác phối hợp giữa “ba ngành” (công an, thuế vụ, hải quan) trong thời gian qua khá hiệu quả, nhưng loại tội phạm này vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đó là do quá nhiều DN làm ăn không đàng hoàng, do cơ chế tạo nên tiêu cực và dẫn đến phát sinh nhu cầu cần mua hóa đơn để hợp thức hóa “tiêu cực phí” như quà biếu, tiếp khách, đút lót... Một số DN làm ăn bất chính thì cần hóa đơn để giải quyết nhu cầu giảm thuế thu nhập DN, hợp thức hóa đầu vào hàng lậu.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên