23/09/2020 08:02 GMT+7

Doanh nghiệp lo hạn nộp thuế trở lại

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Vừa trải qua hai đợt dịch, gắng gượng quay lại làm ăn thì doanh nghiệp (DN) đã đối mặt ngay với thực tế phủ phàng: hết thời hạn gia hạn nộp thuế.

Doanh nghiệp lo hạn nộp thuế trở lại - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị tiếp tục gia hạn thuế. Trong ảnh: người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG

Nay không chỉ đến hạn nộp thuế của tháng 3-2020, trong tháng 9 này doanh nghiệp đang phải xoay xở tiền để nộp cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 8. Tiền thuế bị dồn lại, nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Hết gia hạn thuế

Cục Thuế Hà Nội vừa có thông báo đến các doanh nghiệp là đã hết thời hạn nộp thuế GTGT tháng 3. Sắp tới ngày 30-9, hạn cuối nộp thuế GTGT theo quý 1. Đây là tiền thuế GTGT được gia hạn 5 tháng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Cục Thuế Hà Nội lưu ý các tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương nộp tiền thuế đúng hạn, tránh bị tính tiền chậm nộp.

Ông Mai Sơn - cục trưởng Cục Thuế Hà Nội - cho biết tổng số tiền thuế và tiền thuê đất mà cơ quan này đã giải quyết gia hạn cho người nộp thuế là khoảng 20.145 tỉ đồng.

Về tổng số tiền thuế được nộp sau khi gia hạn, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết đang tập hợp rà soát số tiền thuế mà doanh nghiệp được gia hạn sẽ nộp về ngân sách. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ, doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Gần như các ngành nghề kinh doanh đều bị giảm sút doanh thu và thu nhập. Chỉ cần nhìn vào số tiền thuế mà doanh nghiệp đề xuất gia hạn chỉ 56.000 tỉ đồng, trong khi Bộ Tài chính đánh giá ban đầu số thuế được gia hạn khoảng 180.000 tỉ đồng (tính trong điều kiện của năm 2019) là thấy mức độ khó khăn của doanh nghiệp đến thế nào.

Lo lắng khi dồn dập nộp thuế

Ông Nguyễn Tiến Thái, phó giám đốc tài chính Công ty TNHH thương mại - vận tải Sao Nam Việt (Hà Nội), cho biết việc được chậm nộp tiền thuế GTGT các tháng 3, 4, 5 và 6 cũng hỗ trợ doanh nghiệp phần nào. Tuy nhiên, đến nay đã tới thời hạn phải nộp, doanh nghiệp vừa phải đi xoay tiền thuế của cả tháng 3 và tiền thuế của tháng 8. Vì theo quy định ngày 21-9 cũng đến hạn phải nộp thuế của tháng 8 nữa.

"Tháng sau cũng vậy, đến ngày 20-10, doanh nghiệp cũng phải lo nộp tiền thuế GTGT của tháng 4 và tháng 9... Doanh nghiệp chưa biết lấy nguồn đâu để nộp đúng hạn. Có lẽ chấp nhận bị phạt cũng là một phương án cực chẳng đã" - ông Thái băn khoăn.

Cùng chung lo lắng, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xây dựng, bất động sản (Hà Nội) cho biết COVID-19 quay lại vào cuối tháng 7, doanh thu 8 tháng đầu năm chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng tiền bị đứt, doanh thu giảm mạnh cộng thêm với khoản thuế sẽ đóng dồn dập vào cuối năm, trong khi có những chi phí nhân công, trụ sở... vẫn phải duy trì thì khả năng DN buộc phải tạm thời đóng cửa là chuyện không ngạc nhiên.

"Việc nộp thuế là trách nhiệm của doanh nghiệp. Song, khi doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn rất cần được hỗ trợ, chia sẻ. Chúng tôi mong mỏi Chính phủ, Quốc hội cho miễn, giảm hoặc khoanh nợ số tiền thuế đã được gia hạn. Trước mắt, doanh nghiệp chỉ phải nộp tiền thuế của tháng 8 trở đi" - vị này nói.

Ngoài gia hạn, nên giảm thuế

Ông Nguyễn Văn Được - tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cho rằng đến nay doanh nghiệp đã trải qua đến hai đợt cao điểm dịch COVID-19, tình hình hết sức khó khăn. Trong khi đó chính sách hỗ trợ thuế vừa qua chưa thực sự giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn. "Bộ Tài chính nên đề xuất cho phép tiếp tục gia hạn thuế... Dịch bệnh đến nay vẫn chưa kết thúc" - ông Được nói.

Cũng theo ông Được, cần sớm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vì theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018, các doanh nghiệp này và siêu nhỏ được hưởng mức thuế suất 15-17%. Tuy nhiên, hiện chính sách này vẫn chưa áp dụng.

Về thuế thu nhập cá nhân, ông Được cho rằng đến nay hầu như các đối tượng đều đã được xem xét giãn, giảm thuế do dịch COVID-19 nhưng người làm công ăn lương chưa được hưởng chính sách ưu đãi thuế nào, cần các chính sách hỗ trợ họ.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - quyền giám đốc Trung tâm pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho hay có khảo sát và thấy rằng có doanh nghiệp từ đầu năm đến giờ chưa ký được một hợp đồng nào... "Việc tiếp tục gia hạn thuế cho doanh nghiệp là cần thiết, dù có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách" - ông Nghĩa nói.

Nhưng theo ông Nghĩa, ở lần gia hạn này không nên cào bằng một mức chung. Bởi có ngành nghề hưởng lợi từ dịch như thiết bị y tế, công nghệ thông tin, chuyển đổi số... cần thu thuế bình thường. Như vậy nguồn thu ngân sách cũng được cân đối hơn.

"Riêng về thuế GTGT, do là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, vì vậy theo tôi chỉ giãn thuế là chưa đủ, mà nên giảm 50%. Người mua hàng được hưởng lợi vì giá rẻ hơn, qua đó sẽ kích cầu mua sắm" - ông Nghĩa đề nghị.

53.645 tỉ đồng gia hạn thuế, tiền thuê đất

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tổng cục Thuế cho biết theo nghị định 41, ngày 21-9 là hạn cuối nộp thuế GTGT phát sinh tháng 3 đối với doanh nghiệp nộp thuế theo tháng.

Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo nghị định 41 là 53.645 tỉ đồng. Trong đó, thuế GTGT của doanh nghiệp là 30.084 tỉ đồng; số thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp được gia hạn là 20.547 tỉ đồng. Ngoài ra, số tiền thuê đất được gia hạn là 3.382 tỉ đồng. Số thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân của cá nhân được gia hạn là 629 tỉ đồng.

Còn Cục Thuế TP.HCM cho biết tính đến ngày 31-8 đã có 28.396 doanh nghiệp, tổ chức và 24.451 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quy định của nghị định thực hiện đăng ký gia hạn nộp thuế với số thuế 7.985 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn. Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, 8 tháng đầu năm thu thuế GTGT giảm 16,03% so với cùng kỳ 2019. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm 16,43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sẽ tính toán để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Kiên - tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho biết Chính phủ đang giao cho một số bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội sơ kết và đánh giá hiệu quả gói hỗ trợ lần 1. Dự kiến đến cuối tháng 9 hoặc chậm nhất là đầu tháng 10 sẽ có kết quả. Sau đó, gói hỗ trợ lần 2 dự kiến được xây dựng dựa trên tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước, thế giới và khả năng, tiềm lực ngân sách của Việt Nam. Song, gói 2 sẽ chỉ có thể chọn ra một số ngành để "cứu", chứ không thể hỗ trợ tràn lan.

Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế

TTO - Dịch COVID-19 khiến nhiều chợ truyền thống lâm vào cảnh ế ẩm kéo dài. Nhiều chuyên gia kiến nghị cơ quan thuế cần đánh giá lại doanh thu để có mức giảm thuế sát với thực tế nhằm hỗ trợ tiểu thương.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên