Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội do Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố Hà Nội tổ chức chiều 21-9.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Trần Sĩ Thanh - chủ tịch UBND TP Hà Nội - cảm ơn ngành ngân hàng đã luôn ủng hộ Hà Nội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nói riêng có nguồn lực tài chính lớn phục vụ cho phát triển kinh tế.
Ước tính 9 tháng đầu năm, dư nợ trên địa bàn Hà Nội đạt trên 3 triệu tỉ đồng, tăng 10,65% so với cuối năm 2022 - gấp đôi mức tăng tín dụng của cả nước.
Tuy nhiên, trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ông Thanh cho rằng doanh nghiệp vay vốn gồm vay ngắn hạn và cả vay trung, dài hạn. "Trong lúc vay dài hạn 5-7 năm cho chu trình dự án, đúng ra anh (ngân hàng - PV) cam kết cho vay cả trung dài hạn và ngắn hạn phải song hành với nhau".
"Khi ngân hàng thẩm định rồi, xác định đồng hành, tư vấn rồi, dự án tốt quá để cho vay. Nhưng mấy năm sau thị trường có biến động thì toàn bộ phương án kinh doanh bị lỗ. Người ta không trả được vốn trung dài hạn. Ông bảo nợ xấu quá nên cắt cả vốn lưu động. Như vậy, cắt cả sữa, cắt cả đường, cắt cả cơm" - ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo chủ tịch Hà Nội, đây là vấn đề cần phải tái cơ cấu.
Kết thúc phần trao đổi, ông Thanh chia sẻ Hà Nội có 370.000 doanh nghiệp, tương ứng với 370.000 số phận. Nên ông mong Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại quan tâm rồi, tiếp tục quan tâm thêm để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong khi còn khả năng hấp thụ.
"Khi người ta (doanh nghiệp - PV) không còn khả năng hấp thụ vốn mà đưa nhân sâm vào người ta cũng chết. Nên khi người ta còn khả năng hấp thụ vốn, đưa nước, chút cháo loãng vào thôi thì người ta sẽ sống" - ông Thanh ví von.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp mong mỏi ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là đối với lãi suất cho vay trung, dài hạn để có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Trọng Hoa - giám đốc Công ty TNHH Vật tư kết cấu thép - cho biết năm 2023 doanh nghiệp vô cùng khó khăn khi cầu suy giảm. Từ đầu năm, ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhưng mức lãi vay vẫn là 7,5%/năm - vẫn khá cao so với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản...
Còn bà Nguyễn Thị Huyền Thương - tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Nagakawa - cho rằng với lãi suất cho vay còn ở mức cao khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của doanh nghiệp suy giảm. Hiện chi phí lãi suất rất cao, chiếm khoảng 2% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận