Chiều 20-7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".
Doanh nghiệp bị đọng vốn lên đến hàng trăm tỉ
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký, trưởng ban pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) - cho biết hiện nhiều doanh nghiệp đang khốn khổ vì bị chậm hoàn thuế VAT, có doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn.
"Có doanh nghiệp sản xuất nội địa có hàng xuất khẩu gần 100 thị trường trên thế giới gửi cả bộ hồ sơ đến VCCI nói họ rất khốn khổ do bị chậm hoàn thuế VAT.
Việc hoàn thuế trục trặc vì ngành thuế cho rằng một doanh nghiệp trong chuỗi của doanh nghiệp này chuyển trụ sở hay trụ sở không rõ ràng gì đó nên họ được đưa vào diện xét duyệt, phải xác minh thay vì hoàn trước kiểm sau như trước đây.
Quá trình xác minh có thể mất rất nhiều tháng và không biết khi nào có thể xong" - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, có quy mô xuất khẩu mỗi tháng là 460 tỉ đồng, nhưng hiện hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này phải đình trệ, vì càng xuất khẩu vốn bị đọng lên đến hàng trăm tỉ, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Sức khỏe doanh nghiệp "rất gay go"
Nói về việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Tuấn cũng đề nghị cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách.
Thực tế, sức khỏe của doanh nghiệp nhiều ngành hàng là vấn đề gay go bởi nhiều yếu tố. Trước hết, cầu thị trường trong và ngoài nước suy giảm, như thị trường xuất khẩu giảm mạnh trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng. Do vậy, doanh nghiệp rất cân nhắc vay vốn.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay nhiều doanh nghiệp phản ánh có tình trạng ngân hàng thu phí qua nhiều hình thức khác. Nên để hỗ trợ doanh nghiệp, cần rà soát và ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới.
"Chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất nhằm giảm chi phí vay, nhưng ở đâu đấy vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp', ông nói.
Chia sẻ quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết thêm doanh nghiệp lo ngại một số dự thảo có nguy cơ làm tăng chi phí tài chính cho họ như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Tôi không nói những chính sách này không có mục tiêu và không cần thiết. Nhưng quan trọng là áp dụng tại thời điểm nào" - ông Hiếu đặt vấn đề và cho rằng doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, công điện 644 của Thủ tướng ban hành ngày 13-7 rất mạnh mẽ khi nhấn mạnh phải cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí tài chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phải giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận