Các buồng nghỉ "dã chiến" cho lao động ở lại nhà máy của Công ty Datalogic - Ảnh: L.L
Đại diện Công ty Datalogic cho biết đã sắp xếp 150 chỗ cho công nhân có thể nghỉ lại trong khu vực nhà ăn và văn phòng hiện hữu. Ngoài ra, công ty đã thuê 5 khách sạn ở quận 9, gần nơi nhà máy hoạt động cho khoảng 140 người.
Trong khi đó, một công ty khác là Jabil Việt Nam, chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, sản xuất và quản lý sản phẩm cho các công ty điện tử toàn cầu, thu xếp được chỗ nghỉ cho 1.000 lao động ở quận 1.
Công ty điện tử Sonion cũng đã thực hiện xong phương án "3 tại chỗ" cho 30 lao động ở lại nhà máy, còn 430 lao động còn lại được bố trí ở các khách sạn trong khu vực quận 1.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để duy trì sản xuất với các quy định chống dịch của TP. Phó giám đốc một công ty xây dựng của Singapore cho biết công ty quyết định tạm ngưng sản xuất tại nhà máy trong KCN - KCX những ngày tới.
Trong ngày 14-7, doanh nghiệp này đã gửi thư cho tất cả khách hàng sẽ trì hoãn thời gian thực hiện công trình. "Chúng tôi chưa tìm được sự đồng thuận từ công nhân sẵn sàng ở lại nhà máy trong thời gian ngắn. Còn tương lai cũng không biết phải kéo dài bao lâu. Ngay cả phương án 3 tại chỗ cũng khó đảm bảo vì phải lo chỗ ăn, ngủ cho số đông", vị này cho biết.
Nhân viên Công ty y tế Diversatek sinh hoạt sau giờ làm - Ảnh: L.L
Bà Hồ Thị Thu Uyên - chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) - cho biết dù đã áp dụng những phương án phòng ngừa COVID-19 nghiêm ngặt để hạn chế tối đa rủi ro trước đại dịch, nhưng các doanh nghiệp vẫn băn khoăn trước các quyết định 2337 của UBND TP.HCM và 4623 của TP Thủ Đức sẽ được áp dụng từ 0h ngày 15-7.
Thực tế, phương châm "3 tại chỗ" trong nhà máy là điều không dễ áp dụng và ăn ở tại nhà máy sau giờ làm việc cũng không đảm bảo ngăn được lây lan với biến chủng Delta.
Đối với phương án "1 cung đường 2 địa điểm" thì nhiều doanh nghiệp đã thuê nhiều khách sạn gần nơi nhà máy sản xuất để làm nơi lưu trú tập trung cho công nhân. Phương án này có thể đáp ứng sự linh hoạt hơn nhưng khách sạn xung quanh đều kín và không biết lúc nào sẽ bị phong tỏa, chưa kể rủi ro về F0 cũng vẫn là khó tránh.
Còn với quy định chỉ cho phép xe ra vào từ 10h tối đến 5h sáng và cấp phù hiệu cho các xe, thì trong thời gian ngắn không thể đăng ký kịp với công an địa phương, giải pháp trước mắt là các doanh nghiệp sẽ tự dán sticker logo công ty để nhận diện khi ra vào.
Tuy nhiên việc khung giờ được phép di chuyển là không hợp lý với các doanh nghiệp có đơn hàng phải xuất hàng bằng đường máy bay thì đa số các chuyến bay hiện nay chỉ đến bốc hàng từ 2h chiều đến 10h tối.
Do đó, đại diện Chi hội doanh nghiệp SHTP đề xuất cho phép xe của chuyên gia, xe phục vụ sản xuất, vật liệu sản xuất và thành phẩm lưu thông bình thường khi đáp ứng đủ chứng từ theo yêu cầu như xét nghiệm âm tính, là có giấy xác nhận của doanh nghiệp là lao động chủ lực tại các nhà máy.
Trong lúc này, TP.HCM cũng cần đẩy nhanh việc tiêm chủng cho số lao động chưa được tiêm mũi 1 và sớm tiêm mũi 2. Ngoài ra, cần có đánh giá tỉ lệ rủi ro dựa trên số lao động của từng doanh nghiệp, có biện pháp cho từng mức cụ thể chứ không nên có ca F0 là đóng cửa sản xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận