Không chỉ các doanh nghiệp mở rộng quy mô cần tuyển thêm lao động, một số doanh nghiệp cũng bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng kinh tế sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để có thể khởi động lại sản xuất, tuyển thêm lao động.
Doanh nghiệp gặp khó, số thu thuế giảm
Ông Nguyễn Thanh Bình - phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương - cho biết qua khảo sát tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát trên thế giới...
Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm nguồn thu từ xuất nhập khẩu tại Bình Dương gặp nhiều thách thức đến vậy.
Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp đến cơ quan hải quan tại Bình Dương làm thủ tục giảm cả về số lượng tờ khai lẫn giá trị. Thống kê sơ bộ từ đầu năm tới ngày 15-6, nguồn thu hải quan tại Bình Dương mới đạt 7.125 tỉ đồng, giảm hơn 28% so với năm trước.
Dù đã đi hết nửa chặng đường nhưng so với dự toán thu 20.200 tỉ đồng của năm 2023, tới nay mới đạt hơn 35%...
Các số liệu về xuất nhập khẩu giảm cũng phản ánh "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Liêm - chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - cho biết ngành gỗ trong nước gặp "khủng hoảng kép" kéo dài từ năm ngoái tới nay.
Nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu... đều giảm, khiến cho các doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do xung đột vũ trang, dịch bệnh... khiến các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, giá thành sản xuất tăng cao, giảm sức cạnh tranh quốc tế...
Ông Phạm Văn Tuyên, phó giám đốc Sở Lao động & Thương binh - Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết qua trao đổi với các hiệp hội thì họ đều hy vọng đến hết quý 2-2023 sẽ khá hơn, đơn hàng sẽ quay trở lại nhưng giờ đã cuối tháng 6-2023 tình hình vẫn rất khó khăn.
Các doanh nghiệp trong hiệp hội dệt may, hiệp hội da giày... đều cho biết đơn hàng giảm tới hơn 40%. Nhiều doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc.
Nhiều doanh nghiệp tăng vốn, tuyển lao động
Dù bức tranh kinh tế chung khá ảm đạm nhưng các doanh nghiệp đều hy vọng thời kỳ này sẽ sớm qua, nhiều doanh nghiệp tranh thủ thời gian này để tái cấu trúc, lên kế hoạch phát triển cho giai đoạn dài hơi hơn...
Trong ngày 26-6, Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) đã khánh thành nhà máy trong Khu công nghiệp VSIP 1 (tỉnh Bình Dương) sản xuất các sản phẩm, bán thành phẩm điện tử, cơ điện để xuất khẩu. Với lần tăng vốn này, tập đoàn này đã nâng vốn đầu tư tại Bình Dương lên 15 triệu USD.
Trước đó, đại diện Công ty TNHH Polytex Far Eastern VN (Khu công nghiệp Bàu Bàng) - đơn vị đã giải ngân hơn 1,37 tỉ USD - cho biết dù tình hình kinh tế nói chung còn khó khăn nhưng vẫn nhìn ra các cơ hội mới nên trong quý 3 năm nay sẽ đầu tư thêm 250 triệu USD, trở thành doanh nghiệp FDI lớn nhất tỉnh Bình Dương.
Polytex Far Eastern Việt Nam cũng là một trong các doanh nghiệp có giá trị làm thủ tục xuất nhập khẩu lớn nhất tại tỉnh Bình Dương.
Để doanh nghiệp mở rộng được sản xuất, ông Yeh Ming Yuh - tổng giám đốc Polytex Far Eastern Việt Nam - cho biết doanh nghiệp cần hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong quy trình thẩm duyệt dự án, hỗ trợ thủ tục đầu tư trạm biến áp và nhà máy điện năng lượng mặt trời... để vừa có thể chủ động nguồn điện sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Kim Loan - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết ngoài các doanh nghiệp thu hút thêm lao động sau khi mở rộng sản xuất, đã có một số doanh nghiệp khác đăng ký tuyển thêm lao động.
Tiêu biểu như Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (sản xuất dây dẫn điện ô tô...) vừa có công văn nhờ hỗ trợ tuyển thêm gần 800 lao động, một công ty sản xuất giày thể thao tại TP Thuận An dự kiến tuyển thêm khoảng 1.000 lao động từ nay đến cuối năm.
Cùng chung tay vượt khó
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết cơ quan chức năng trên địa bàn luôn sẵn sàng đồng hành và lắng nghe thường xuyên ý kiến của các doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Với các vướng mắc như về quy hoạch điện cho sản xuất, phê duyệt dự án, thẩm định phòng cháy chữa cháy..., chính quyền địa phương sẽ chủ động giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương, ngoài ra cũng sẽ kiến nghị các cơ quan trung ương kịp thời tháo gỡ, đồng hành với doanh nghiệp.
Khi các nhà máy tại Bình Dương hoạt động ổn định, phát triển sẽ không chỉ tạo ra nguồn thu bền vững cho ngân sách mà còn tạo sinh kế cho bà con từ nhiều tỉnh thành đến làm ăn, sinh sống.
Phòng trọ chờ công nhân trở lại
Việc các doanh nghiệp thiếu đơn hàng khiến cho hàng chục ngàn công nhân rời Bình Dương tạm về quê chờ có việc làm trở lại. Khảo sát nhiều nhà trọ tại TP Tân Uyên, Thuận An, thị xã Bến Cát... cho thấy nhiều dãy trọ vắng người, phải đóng cửa thay cho cảnh đông đúc và nhộn nhịp trước đây.
Cô Thắm (phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát) cho biết trước đây dãy trọ của gia đình gồm 1 ki ốt và 4 phòng trọ lúc nào cũng kín phòng, nhưng từ cuối năm ngoái đến nay chỉ còn 2 phòng có người thuê.
Kinh tế khó khăn, không có việc làm nên công nhân cũng phải cắt giảm chi tiêu tối đa. Mọi người đều chờ đợi nhà máy có đơn hàng trở lại để công nhân có việc làm, các khu trọ công nhân đông vui hơn.
Đồng Nai: kim ngạch xuất nhập khẩu giảm hơn 20%
Ngày 26-6, ông Trần Quốc Tuấn - cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai - cho hay trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của địa phương ước đạt 8,52 tỉ USD, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2022 (10,7 tỉ USD).
Trong đó, nhiều mặt hàng giảm mạnh như sản phẩm gỗ giảm 40%, giày dép giảm 13,38%, dệt may giảm 12,7%, máy móc thiết bị và dụng cụ giảm 11,6%...
Kim ngạch nhập khẩu của Đồng Nai cũng giảm mạnh, 5 tháng đầu năm ước đạt 6,2 tỉ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất siêu 2,245 tỉ USD, bình quân khoảng 450 triệu USD/tháng.
Theo ông Tuấn, xuất khẩu giảm mạnh do sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều giảm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.
A LỘC
Bà Rịa - Vũng Tàu: số thu ngân sách giảm
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách của địa phương này ước khoảng 44.123 tỉ đồng, đạt 49,8% dự toán, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nguồn thu từ dầu khí ước đạt khoảng 16.450 tỉ đồng, giảm 21,3% so với cùng kỳ. Số thu thuế xuất, nhập khẩu ước khoảng 8.542,5 tỉ đồng, giảm 23,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách nội địa giảm 19,5% so với cùng kỳ...
Số thu thuế xuất nhập giảm sâu được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) ước đạt hơn 2,5 tỉ USD, giảm 12,01% so với cùng kỳ, do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương như giày dép, dệt may, sắt thép... đều gặp khó, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu.
Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 3,1 tỉ USD, giảm 6,45% so với cùng kỳ, do giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao, nhu cầu trong nước suy giảm...
ĐÔNG HÀ
Tập đoàn LG Innotek rót thêm 1 tỉ USD vào Hải Phòng
Ngày 26-6, UBND TP Hải Phòng tổ chức buổi trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho dự án của LG Innotek (Hàn Quốc), giai đoạn từ năm 2023 - 2025, với số tiền 1 tỉ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 2 tỉ USD.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tiến Châu - bí thư Thành ủy Hải Phòng - bày tỏ kỳ vọng Tập đoàn LG nói chung, LG Innotek nói riêng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, có những dự án mới, hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của TP.
Ông Châu cũng khẳng định chính quyền địa phương cam kết thường xuyên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, đồng hành tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Cũng tại buổi lễ, ông Lê Trung Kiên - trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng - cho biết số vốn đầu tư thêm sẽ được tập đoàn này dùng để xây dựng thêm nhà máy V3 theo mô hình thông minh, tạo thêm việc làm cho khoảng 2.600 lao động, lợi nhuận dự kiến 400 triệu USD/năm và nộp ngân sách 100 tỉ đồng/năm.
Với việc LG Innotek tăng vốn đầu tư đã giúp nâng tổng vốn FDI của Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 1,9 tỉ USD, chiếm 95% kế hoạch năm.
Được biết, nhà máy của Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2016 với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.
Đến tháng 9-2017, nhà máy tại Khu công nghiệp Tràng Duệ chính thức đi vào hoạt động, chuyên sản xuất sản phẩm mô đun camera và sử dụng 3.500 lao động.
TIẾN THẮNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận