17/01/2020 15:18 GMT+7

Doanh nghiệp FDI lên tiếng về tính thuế 20% để chặn trốn thuế, chuyển giá

MINH KHANG
MINH KHANG

Trong bối cảnh khung pháp lý về "giao dịch liên kết" còn nhiều bất cập và cần được xem xét lại, có khá nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp FDI lên tiếng về tính thuế 20% để chặn trốn thuế, chuyển giá - Ảnh 1.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức mới đây vào ngày 10-1 tại Hà Nội, đại diện nhóm công tác về thuế và hải quan đã chia sẻ những ý kiến và giải pháp đối với vấn đề này. Đây cũng là kỳ vọng của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài trước thềm năm mới Canh Tý 2020.

Ông Takahisa Onose, Đại diện Nhóm công tác Thuế & Hải quan của VBF cho rằng Việt Nam có thể giải quyết vấn đề thiếu rõ ràng trong cách thức xử lý giao dịch của bên liên quan bằng cách cung cấp hướng dẫn liên quan đến Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA).

Theo đó doanh nghiệp có thể cung cấp cơ sở định giá của bên liên quan cho cơ quan thuế phê duyệt trước khi thực hiện giao dịch. Các thỏa thuận này giúp đảm bảo chắc chắn cho doanh nghiệp đồng thời mang lại hiệu quả cao cho chính phủ.

Ngoài ra, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư rằng khi phải đối mặt với những thách thức và cơ hội từ các mô hình kinh doanh và giao dịch mang tính đổi mới và phức tạp, cơ quan thuế Việt Nam sẽ có cơ chế chính sách công bằng và hợp lý trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi.

Việc áp dụng các nguyên tắc thuế cốt lõi cho những vấn đề như khấu trừ chi phí hợp lý, ghi nhận doanh thu, định giá mua bán ngoài cho những giao dịch liên quan đến các khu vực tài phán có thuế suất khác… sẽ giúp củng cố niềm tin rằng cơ quan thuế đã và đang tích cực tiếp thu và hoàn thiện.

Đại diện Nhóm công tác Thuế và Hải quan của VBF cũng đề nghị cần có quyền khiếu nại độc lập đối với mức thuế phải nộp. Trước hết có thể không thông qua tòa án, và chỉ nên áp dụng các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc như phong tỏa tài khoản ngân hàng sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp khắc phục hợp lý và thực hiện kháng nghị.

Việc ghi nhận doanh thu cũng dựa trên các nguyên tắc cốt lõi như việc cung cấp thực tế các sản phẩm hoặc dịch vụ và quyền nhận thanh toán thực tế cho các sản phẩm hoặc dịch vụ đã cung cấp, không chỉ dựa vào sự tồn tại của hợp đồng.

Chia sẻ cùng quan điểm với ông Takahisa, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đề xuất: "Chính phủ và cộng đồng cần có một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đặc biệt là về những giao dịch nội bộ hợp pháp giữa các doanh nghiệp trong những tập đoàn đa quốc gia, để tránh tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam".

Do các quy định còn bất cập gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và doanh nghiệp để xác định các trường hợp như thế nào là chuyển giá, nên ông Toàn cho rằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết phù hợp với các thông lệ quốc tế là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và ổn định của môi trường đầu tư, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Cũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, T.S Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã chia sẻ những con số đáng suy nghĩ trong quản lý thuế. Theo ông Lộc, các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện, dễ thực hiện nhất là thủ tục nộp thuế, khó thực hiện nhất là thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế. Tỉ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử lên đến 98,4%.

Tuy nhiên, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.

MINH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên