24/09/2022 15:59 GMT+7

Doanh nghiệp 'đỏ mắt' tìm người, cơ hội 'vàng' cho thanh niên khuyết tật

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Các doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hà Nội tăng tuyển dụng nhân viên sản xuất thủ công mỹ nghệ, nấu ăn, pha chế, bán hàng… với mức lương từ 7-20 triệu đồng/tháng. Đây là cơ hội để người khuyết tật kiếm được công việc phù hợp, nhất là thanh niên.

Doanh nghiệp đỏ mắt tìm người, cơ hội vàng cho thanh niên khuyết tật - Ảnh 1.

Nếu thành thạo máy tính, nhiều người khuyết tật có thể kiếm được thu nhập tốt - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Doanh nghiệp cần gì ở thanh niên khuyết tật?

Bà Trần Thị Thuần, đại diện Hợp tác xã Tâm Ngọc, Hà Nội, chia sẻ đơn vị đang có nhu cầu tuyển 40 người lao động khuyết tật làm công việc chăn nuôi gà đồi, heo, trồng trà thảo mộc, hoa ly hoặc cây ăn quả như ổi, dưa lê từ giờ đến Tết 2023.

Hợp tác xã cũng tuyển nhiều vị trí nhân viên marketing, bán hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với người khuyết tật, khiếm khuyết nặng, khó vận động, hợp tác xã tạo điều kiện, chi trả chi phí ăn ở. Mức lương khởi điểm khoảng 7 triệu đồng/tháng.   

"Chúng tôi muốn tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật nên mong muốn tiếp nhận, đào tạo nhiều người khuyết tật nhất có thể để họ tự tin khi tiếp xúc với xã hội", bà Thuần cho hay.

Đại diện cho nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự, bà Phạm Thanh Hường, chủ tịch Hội Người khuyết tật Phú Xuyên (Hà Nội), cho biết doanh nghiệp trả lương bình quân từ 7-20 triệu đồng/người/tháng. 

Chẳng hạn, người khuyết tật nhẹ có chuyên môn vẽ xây dựng, kiến trúc có thể lãnh 7-15 triệu đồng/tháng. Công việc phổ thông hơn như sửa chữa, bảo dưỡng nhạc cụ, sản xuất tranh ghép vải vụn có mức lương khởi điểm 4-8 triệu đồng và hỗ trợ ăn trưa.

"Ưu điểm của người khuyết tật trẻ là có khát khao được làm việc, được học tập, lao động bằng chính sức mình. Nhiều em có kiến thức tốt, học hành bài bản. Tuy nhiên, các bạn không được lựa chọn nghề theo sở thích, mong muốn", bà Hường chia sẻ.

Doanh nghiệp đỏ mắt tìm người, cơ hội vàng cho thanh niên khuyết tật - Ảnh 2.

Qua nắm bắt, nhiều thanh niên khuyết tật có xu hướng chọn nghề làm bánh, pha chế do phù hợp với thể trạng - Ảnh: GIA ĐOÀN

Do đó, bà Hương cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong dạy nghề, đào tạo người khuyết tật như hỗ trợ vay vốn, bố trí cơ sở dạy nghề gần nơi ở của thanh niên khuyết tật… 

"Lớp dạy nghề cần ở xã, huyện nơi người đó sinh sống, chứ đi từ Phú Xuyên lên Cầu Giấy học nghề thì rất xa", vị này nói.

Thứ hai, các hội, tổ chức, cơ quan nhà nước cần chú trọng hơn trong tư vấn, hướng nghiệp cho người khuyết tật theo từng dạng, điều kiện. Ví dụ, người khuyết tật tay khó cắt may nhưng ăn nói tốt có thể định hướng làm marketing.

Sợ bị lừa trước tin rao việc trên mạng

Mắc chứng thoái hóa sắc tố giác mạc từ khi mới lọt lòng, Trang (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cô mất nhiều năm chữa trị nhưng lớn lên mắt vẫn mờ. Mong muốn tìm công việc phù hợp với thể trạng, cô được giới thiệu nghề tẩm quất với lương 7-8 triệu đồng. 

Tuy nhiên, được Hội Người khuyết tật tư vấn, Trang dự định vừa đi làm vừa học các khóa tin học văn phòng. "Mình thích làm công việc văn phòng hơn vì máy tính có thể phóng to cỡ chữ, hình ảnh", Trang tâm sự.

Trong khi đó Lan Anh (22 tuổi, Hà Nội), khuyết tật thị giác, cho biết cô vừa nghỉ việc tại công ty đồ chơi ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) với mức lương 6-7 triệu đồng do công việc không phù hợp với tính cách. Là người hoạt bát, có khả năng ăn nói, Lan Anh muốn tìm việc ở câu lạc bộ nghệ thuật, MC đám cưới, chăm sóc khách hàng vì đã có kinh nghiệm làm lễ tân.

Cô chia sẻ cũng tìm kiếm việc làm trên Facebook, Zalo nhưng nhiều nơi yêu cầu quá đơn giản nên sợ bị lừa. "Mình và nhiều bạn khuyết tật khác thường sợ bị lừa làm việc nên mong nhận thông tin việc làm chính thống, đáng tin cậy", Lan Anh nói.

Doanh nghiệp đỏ mắt tìm người, cơ hội vàng cho thanh niên khuyết tật - Ảnh 3.

Lan Anh cho biết nhiều người trẻ có tâm lý sợ bị lừa khi tìm việc tại các nhóm tuyển dụng "trôi nổi" trên mạng xã hội - Ảnh: GIA ĐOÀN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Quang Thành, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho hay thanh niên khuyết tật phù hợp với công việc như nhân viên tư vấn bán hàng, may vá, pha chế, chứ không chỉ phù hợp làm tẩm quất, thợ thủ công mỹ nghệ. Ví dụ, thanh niên khuyết tật vận động nhưng trí tuệ minh mẫn có thể làm nhân viên văn phòng, thiết kế đồ họa, bán hàng online…

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Hội Người khuyết tật và đánh giá cụ thể hơn, đặc biệt là về cơ sở dữ liệu của người khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội và phân chia cụ thể trình độ, nghề nghiệp, nguyện vọng, vị trí việc làm để hướng dẫn, tư vấn cụ thể", ông Thành nói.

Theo ông Thành, đầu tháng 9-2022 vừa qua, Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật do Trung tâm Việc làm Hà Nội và Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức đã kết nối hơn 700 lao động với nhà tuyển dụng. Trong đó, có 75 lao động được hẹn phỏng vấn lần 2 để trao đổi cụ thể hơn về công việc, lương thưởng…

Trao sinh kế mở lối cho 50 thanh niên khuyết tật, khó khăn tại Hà Nội Trao sinh kế mở lối cho 50 thanh niên khuyết tật, khó khăn tại Hà Nội

50 thanh niên khuyết tật, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhận hỗ trợ để khởi nghiệp, làm chủ cuộc sống.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên