Đại diện một doanh nghiệp đến trụ sở Công an phường Dịch Vọng Hậu làm thủ tục cấp giấy đi đường - Ảnh: DANH TRỌNG
Ngày 6-9, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân, doanh nghiệp đã trực tiếp đến các trụ sở công an phường để xin cấp giấy đi đường mẫu mới.
Tuy nhiên, nhiều người dân khi đến trụ sở lại được cán bộ trực ban của công an phường giải thích và mời về liên hệ với cảnh sát khu vực qua Zalo hoặc qua email để được hướng dẫn, giải quyết.
Email tiếp nhận hồ sơ của công an phường quá tải
Công ty thực phẩm N.V. (Hà Đông, Hà Nội) chuyên cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn khu công nghiệp cho hay do trụ sở nằm tại vùng đỏ (nội thành) nên để đáp ứng yêu cầu kinh doanh, giao hàng đến các khu công nghiệp nằm ở vùng xanh hoặc vùng vàng, cũng như đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh doanh tối thiểu, doanh nghiệp cần phải xin cấp giấy đi đường cho ít nhất 10 cán bộ, nhân viên.
Ông N.Đ.T., giám đốc công ty, cho hay sau khi nhận thông tin từ cảnh sát khu vực gửi cho các doanh nghiệp yêu cầu gửi hồ sơ, ngay trong ngày 5-9, công ty đã hoàn tất tới 6 loại thủ tục giấy tờ để kịp thời gửi cho cơ quan chức năng như kế hoạch và bản cam kết phòng chống dịch COVID-19; danh sách cán bộ nhân viên có lịch phân công nhiệm vụ; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng các biểu mẫu đi kèm…
Tuy vậy, đến nay sau hơn 24 giờ gửi hồ sơ tới cơ quan công an phường, doanh nghiệp cho biết lại nhận được mail thông báo là mail tiếp nhận hồ sơ trước đó bị quá tải và bị khóa, nên không thể truy cập và đề nghị doanh nghiệp gửi lại hồ sơ.
Quá sốt ruột, ông T. tìm hiểu các thông tin trên mạng thì được biết doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu cũng thuộc thẩm quyền do Sở Công thương Hà Nội cấp giấy đi đường, cùng với các nhóm doanh nghiệp logistics, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử.
Hồ sơ mà sở này yêu cầu đơn giản hơn khi chỉ yêu cầu các giấy tờ như công văn đề nghị, danh sách theo mẫu… gửi mail tới cơ quan chức năng để tiếp nhận và xử lý.
"Chúng tôi không rõ đâu là đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ, khi cả công an phường, Sở Công thương đều cấp, rất lúng túng" - ông T. nói.
Công an phường dán thông báo trước cổng yêu cầu người dân, doanh nghiệp không đến trụ sở công an phường, đề nghị người dân liên hệ với cảnh sát khu vực qua Zalo... - Ảnh: DANH TRỌNG
Doanh nghiệp 'kêu trời'
Anh T.V.B., đại diện một công ty chuyên về quản lý vận hành chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy, cho biết anh đang làm thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy đi đường cho 5 nhân viên.
Qua tìm hiểu thông tin, anh liên hệ với cảnh sát khu vực để được hướng dẫn. Tuy nhiên, hôm qua (5-9) và sáng nay 6-9, anh gọi điện cho cảnh sát khu vực nhưng không liên lạc được.
"Tôi gọi điện nhiều lần cho cảnh sát khu vực nhưng đều là 'thuê bao không nghe máy' hoặc máy bận. Lo nhân viên không có giấy đi đường để đến công ty làm việc, nên tôi phải trực tiếp đến công an phường hỏi. Tuy nhiên, công an phường lại bảo tôi về liên hệ với cảnh sát khu vực để được hướng dẫn", anh B. nói.
Chị N.T.D., đại diện một đơn vị kinh doanh thiết bị y tế, cho biết theo hướng dẫn của Công an thành phố, chị gọi điện cho cảnh sát khu vực để làm thủ tục cấp giấy đi đường có mã nhận diện. Tuy nhiên, chị D. gọi điện nhiều lần nhưng không thể liên lạc được với cảnh sát khu vực.
Chị D. sau đó đành cầm theo tập hồ sơ đến trực tiếp trụ sở Công an phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) nhờ công an hướng dẫn thủ tục.
Theo chị D., sau khi nộp đầy đủ giấy tờ, cơ quan chức năng không thông báo về thời gian trả giấy đi đường.
"Chúng tôi phải "kêu trời" vì quy trình cấp giấy đi đường hiện nay rất rối. Đã hai ngày trôi qua nhưng doanh nghiệp của tôi vẫn đang loay hoay chưa xin được giấy thông hành", chị D. nói.
Cùng ngày, nhiều đại diện công an của các phường cho biết họ đang đợi UBND phường kiểm duyệt hồ sơ của người dân và doanh nghiệp, nên chưa cấp được giấy đi đường cho người dân.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho biết, trong một thời gian ngắn từ chiều 5-9 đến sáng 6-9, đơn vị đã cấp được hơn 20.000 giấy đi đường mẫu mới cho nhóm các tổ chức, doanh nghiệp công ích thiết yếu...
Cần áp dụng linh hoạt việc cấp giấy đi đường
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Quang Long, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho hay đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhưng qua theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình từ cơ quan công an, vẫn chưa có giải pháp khả thi nhất để triển khai cấp giấy đi đường.
Vì đối tượng được cấp giấy đi đường không chỉ có người lao động, mà còn các chuyên gia nước ngoài, cán bộ quản lý… Ông Long cho rằng việc cấp giấy đi đường cần áp dụng linh hoạt, phù hợp khi mà doanh nghiệp không thể thực hiện hoàn toàn "3 tại chỗ" cho 100% người lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận