Tại diễn đàn "Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi" do báo Xây Dựng phối hợp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các đơn vị tổ chức chiều 18-1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết tính đến ngày 31-11-2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỉ đồng.
Theo ông Sinh, điều này cho thấy nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn, tăng so với giai đoạn trước.
Doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng nguồn vốn
Với phát hành trái phiếu, ông Sinh cho biết trong cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận 311.240 tỉ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản 73.200 tỉ đồng (chiếm 23,5% tổng giá trị, tăng 40,8% so với năm 2022).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa ốc vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay tín dụng, hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và cũng như những nguồn vốn khác, hệ lụy là thiếu vốn để thực hiện dự án. Đặc biệt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong các tháng cuối năm 2023.
Để thị trường địa ốc phục hồi, ông Sinh đề nghị các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…), huy động vốn gắn với mục đích cụ thể và giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.
Cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản; đảm bảo tính pháp lý, chất lượng và bố trí đầy đủ các tiện ích cho khách hàng.
"Về giá thành sản phẩm bất động sản, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền", ông Sinh nói.
Áp lực khoản nợ ngân hàng
TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho biết ngay trong tháng 1 này, có 15.600 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đáo hạn. Đỉnh điểm tháng 3-2024, có đến 23.300 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.
Trước những khó khăn về dòng tiền, ông Lực cho hay doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nhất là trong năm 2024. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa nguồn vốn khi ngoài tín dụng ngân hàng còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, tiền từ khách hàng, quỹ REIT, thuê tài chính…
Đồng thời hướng tới minh bạch, cụ thể hồ sơ thuế, tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán…
Theo ông Lê Viết Hải - phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nỗi lo lớn của doanh nghiệp hiện nay là các khoản nợ đến hạn trả ngân hàng.
"Môi hở răng lạnh", ngành xây dựng, vật liệu xây dựng có mối quan hệ chặt chẽ với ngành bất động sản. Khi bất động sản gặp khó khăn, các nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu cũng khó theo, các nhà thầu phụ cũng bị chậm dòng tiền, ảnh hưởng lớn đến lao động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo các doanh nghiệp địa ốc cũng nhận định áp lực về dòng tiền, sức mua suy giảm của người dân cũng như niềm tin chưa phục hồi vào lĩnh vực đầu tư bất động sản là "rào cản" lớn đối với thị trường địa ốc trong năm nay.
Bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường địa ốc
Cũng trong ngày 18-1, hơn 300 đại biểu đã tham dự Đại hội Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) lần thứ 1, nhiệm kỳ 2024 - 2029, tổ chức tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Khôi - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - được bầu làm chủ tịch VIREA.
Phát biểu tại đại hội, ông Hoàng Hải - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường địa ốc Việt Nam khi có thêm nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận đầu tư.
Theo ông Hải, thị trường bất động sản công nghiệp đi lên nhờ sự quan tâm của các nhà sản xuất toàn cầu với xu hướng nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, gia tăng các trung tâm dữ liệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận