Bất động sản khởi sắc, nhiều ngành dần phục hồi
Khảo sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) giai đoạn đầu năm cho thấy thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu khả quan, sau khi doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu.
Cụ thể, các doanh nghiệp lớn đã cơ cấu lại nợ để cải thiện tình hình tài chính bằng cách mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn hoặc đàm phán với các trái chủ, các ngân hàng để gia hạn nợ, giảm áp lực dòng tiền.
Ông Nguyễn Phước Hưng - phó chủ tịch HUBA - cho biết các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã phát huy tác dụng, nhiều dự án được chính quyền địa phương tháo gỡ pháp lý và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhiệt, giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn vay…
Nhờ sự khởi sắc của thị trường bất động sản, các ngành kinh tế khác liên quan như xây dựng, sắt thép, vật liệu xây dựng khác… cũng bắt đầu phục hồi và hoạt động sôi động hơn. Theo ông Hưng, sự phục hồi của ngành bất động sản sẽ rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay số lượng hồ sơ nhà đất trong 2 tháng đầu năm 2024 là 67.750 hồ sơ, tăng 18.801 hồ sơ so với cùng kỳ. Nhờ vậy, nguồn thu từ trong 2 tháng đầu năm đạt 103.164 tỉ đồng, tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm 2023 (90.741 tỉ đồng).
Đáng chú ý, nguồn thu thuế từ mua bán nhà đất tăng rất mạnh, đạt hơn 955 tỉ đồng, trong khi 2 tháng đầu năm ngoái chỉ là 660 tỉ đồng.
Còn Cục Thống kê TP.HCM cho hay doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm nay ước đạt 42.300 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ và chiếm gần 60% trong nhóm doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác.
Doanh nghiệp giảm lợi nhuận, tăng bán hàng và phát triển dự án
Thời điểm này, các doanh nghiệp cũng tung các sản phẩm bắt nhịp phục hồi của thị trường địa ốc.
Tại khu nam TP.HCM, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng sẽ ra mắt dự án căn hộ duy nhất của Phú Mỹ Hưng trong năm 2024. Đáng chú ý, dự án này chỉ gồm 95 căn hộ và đây cũng là dự án hiếm hoi được cấp giấy phép xây dựng thời điểm này.
Trước đó, Phú Đông Group cũng giới thiệu ra thị trường căn hộ Phú Đông SkyOne, nằm trong chuỗi dự án nhà cho người trẻ với giá từ 1,4 - 1,8 tỉ đồng/căn tại TP Dĩ An (Bình Dương).
Dự án này có tổng vốn đầu tư xây dựng 1.100 tỉ đồng, cung cấp ra thị trường 780 căn hộ có diện tích từ 42 - 72m².
Trong khi đó, Gamuda Land đã khởi công 6 tòa tháp cao 37 - 39 tầng, cung cấp gần 2.000 căn hộ tại phường An Phú, TP Thủ Đức.
Dự kiến thời gian tới, dự án Mizuki của Nam Long sẽ khởi công giai đoạn tiếp theo tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Còn tại khu đông, Masterise Homes cũng sẽ khởi công phân khu cao tầng nằm trong đô thị The Global City.
Ông Ngô Quang Phúc - tổng giám đốc Phú Đông Group - cho hay trước đây các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng lợi nhuận khá cao, khoảng 30 - 40%, song hiện nay doanh nghiệp phải điều chỉnh, giảm xuống để phù hợp với thị trường, đưa ra mức giá gần hơn với người mua nhà.
Theo ông Phúc, khó có thể trông đợi thị trường căn hộ sẽ giảm giá thời gian tới bởi chi phí đầu vào như chi phí nguyên vật liệu, xây dựng, tiền đất… đều tăng. Đặc biệt, thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý kéo dài làm tăng chi phí phát triển cũng góp phần đẩy tăng giá nhà…
Theo ông Phúc, hiện bất động sản, đặc biệt là phân khúc dành cho nhu cầu ở thực vẫn bán được dù không bán nhanh như lúc thị trường sốt nóng.
Ông Phúc cho hay những khó khăn nhất đã qua đi khi lãi suất giảm, gửi tiết kiệm không còn cao nên bất động sản sẽ là một trong các kênh được người dân ưu tiên lựa chọn.
Luật sắp có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ tăng thu hồi vốn
Ông Đinh Minh Tuấn - giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam - cho hay trong năm nay, các chủ đầu tư sẽ tăng cường đẩy nguồn cung ra thị trường, vì nếu hiện tại thanh khoản của họ chậm lại thì sang năm sau sẽ không thu hồi được nhiều vốn.
Theo ông Tuấn, nếu đợi đến 2025, khi Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc 5%, sau đó mất nhiều thời gian để hoàn thiện các nghĩa vụ tài chính, đủ điều kiện thì mới bán hàng ra được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận