Nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản, ngân hàng... chi số tiền lớn để mua lại trái phiếu trước hạn - Ảnh: B.MAI
Sau động thái siết chặt và xử phạt để làm trong sạch thị trường, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng trở nên trầm lắng.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết lũy kế 10 tháng đầu năm nay, ngoài hai đợt phát hành ra quốc tế của VinGroup trị giá 625 triệu USD, chỉ có 23 đợt phát hành ra công chúng (trị giá gần 10.600 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước) và 413 đợt phát hành riêng lẻ (trị giá 240.760 tỉ, giảm 51%).
Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã tiến hành mua lại gần 147.500 tỉ đồng trái phiếu, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình như vào hôm nay (25-11), Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết thực hiện mua lại trước hạn lô trái phiếu đã phát hành vào cuối năm 2021 (có kỳ hạn hai năm), tổng số tiền chi ra là 150 tỉ đồng. Việc mua lại dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp và các trái chủ.
Vào cuối tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp này cũng đã tất toán khoản vay vốn lưu động có giá trị tổng cộng 220 tỉ đồng cho Tập đoàn tài chính Mirae Asset (Hàn Quốc).
Như vậy, so với số liệu theo báo cáo tài chính quý 3-2022, số dư nợ vay của doanh nghiệp bất động sản này đã giảm 370 tỉ đồng. Đại diện công ty cũng cho biết đã chuẩn bị dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, bao gồm cả trái phiếu từ cuối năm nay đến năm 2023.
Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ cũng khẳng định: "Doanh nghiệp không bị áp lực trái phiếu". Đối với các trái phiếu phát hành được bảo đảm bằng cổ phiếu PDR, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã thông qua chủ trương bổ sung tài sản bảo đảm là cổ phiếu PDR và bất động sản.
Cùng ngành, Bất động sản An Gia cũng cho biết kế hoạch mua lại trước hạn lô trái phiếu có tổng giá trị 300 tỉ đồng, dự kiến thực hiện trong quý này.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng chi từ vài trăm đến hàng ngàn tỉ đồng để mua lại trái phiếu như Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), Novaland, Becamex, Chứng khoán VIX...
Xu hướng mua lại trái phiếu cũng diễn ra ở nhiều ngân hàng như BIDV, VIB, SHB, LietVietPostBank, TPBank...
Mặc dù hoạt động mua lại đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thanh khoản và tiến độ triển khai của nhiều dự án ở không ít doanh nghiệp, nhưng đơn vị nghiên cứu thị trường FiinRatings cho rằng: "Đây là dấu hiệu tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và giảm thiểu gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao hiện nay".
Về phương án tái cơ cấu nợ trái phiếu, FiinRatings đưa ra một số phương án khả thi có thể kể đến đang được các doanh nghiệp áp dụng như: gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán, gia hạn kỳ trả nợ không cần thanh toán, hay “hàng đổi hàng”. Các giải pháp này giúp nhà phát hành không bị áp lực dòng tiền và nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi khoản đầu tư trong tương lai mà không phải cắt lỗ.
Để chuẩn bị cho các tình huống khi có một số doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và nhằm gỡ bỏ nút thắt cho kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia của tổ chức nghiên cứu này cho rằng: "Nên có các hướng dẫn cụ thể về xử lý vấn đề tái cấu trúc nợ trái phiếu và xử lý trong các tình huống không mong muốn xảy ra khi có các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu".
Huy động vốn ngoại
Trong lúc kênh huy động trái phiếu trong nước có phần trầm lắng, nhiều doanh nghiệp vẫn thành công huy động được dòng vốn quốc tế như: Tập đoàn Masan (600 triệu USD), VPBank (500 triệu USD), SeABank (200 triệu USD), VinFast (135 triệu USD), Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD), Tập đoàn Lộc Trời (100 triệu USD), Be Group (100 triệu USD)... Điều này cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp trong nước được nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận