23/05/2015 09:03 GMT+7

Doanh nghiệp choáng 
với giá xăng

TRẦN VŨ NGHI - HỒNG QUÝ
TRẦN VŨ NGHI - HỒNG QUÝ

TT - Giá xăng tăng liên tiếp hai lần từ đầu tháng 5-2015 nhanh chóng có những tác động tức thời lên người dân và doanh nghiệp.

Ảnh hưởng dây chuyền từ giá xăng lan rộng khiến nhiều doanh nghiệp choáng váng.

Sản xuất đồ gỗ gia dụng xuất khẩu tại Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành - Ảnh: T.V.N.
Sản xuất đồ gỗ gia dụng xuất khẩu tại Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành - Ảnh: T.V.N.

Ông Đặng Quốc Hùng - giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi, chuyên sản xuất trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ - gần như than trời trước việc giá xăng đã tăng 3.150 đồng/lít chỉ trong vòng nửa tháng.

Với đặc thù là sản phẩm có giá trị thấp nhưng chi phí cho vận chuyển lại chiếm 5-10% trong giá thành sản phẩm do phải thu mua, chuyên chở nguyên vật liệu cồng kềnh (xơ dừa), vì vậy giá xăng tăng đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào tăng ngay từ khâu mua nguyên liệu.

Theo ông Hùng, dù một số sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp hiện có thể cạnh tranh ngang ngửa với hàng Trung Quốc, Indonesia... nhưng khi chi phí sản xuất bị đẩy lên quá cao dù có đơn đặt hàng doanh nghiệp vẫn chưa dám nhận.

“Tính sát hết mức mà thấy chỉ huề vốn thì nhận đơn hàng làm gì cho phí sức. Cứ kéo dài việc tăng giá xăng vô lý như vậy, tôi e nhiều doanh nghiệp sẽ chẳng còn lợi nhuận trong năm nay” - ông Hùng chia sẻ.

Cũng lâm vào tình cảnh như “ngồi trên lửa” khi giá đầu vào tăng, ông Dương Chí Thành - phó tổng giám đốc Công ty CP giấy Vĩnh Tiến - cho hay mức tăng giá xăng vừa rồi như “hạ nốc ao” doanh nghiệp ngành giấy do chi phí giá giấy cũng vừa tăng 3-5% cách đây chưa lâu.

Theo tính toán của ông Thành, chỉ trong vòng nửa tháng, tổng chi phí đầu vào sản xuất giấy tập đã tăng 8-12%, trong đó riêng chi phí nhiên liệu chiếm 5-7%. 

“Thị trường đang cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp rất vất vả để giữ được thị phần. Mỗi lần giá xăng điều chỉnh, doanh nghiệp lại khốn khổ vì không thể điều chỉnh giá bán ngay được. Nhưng chi phí vận chuyển từ lúc mua vật tư cho đến lúc đưa hàng đi phân phối thì đã phải trả tiền ngay rồi” - ông Thành bộc bạch.

Có cùng quan điểm như ông Thành, bà Lê Thị Thanh Lâm - phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food - cho biết đang yêu cầu bộ phận kinh doanh tính gấp mức tác động từ việc tăng giá xăng hôm 20-5.

“Chúng tôi chưa thể có được con số cụ thể vì còn phải đợi luôn mức phí bao bì, vật tư... được thông báo tăng thêm như thế nào vì mấy cái này cũng ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển” - bà Lâm thông tin. Bà Lâm cũng cho rằng với khoảng thời gian khá ngắn, giá xăng tăng đến 3.150 đồng/lít khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp” trong kế hoạch sắp tới.

Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, ông Đỗ Hoàng Thịnh - giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thịnh (Q.2, TP.HCM) - tính toán với giá xăng tăng ba lần từ đầu năm đến nay, cộng với giá điện tăng 7,5% từ ngày 16-3, chi phí công ty đã đội lên thêm gần 10%.

“Chúng tôi không thể tăng giá với các hợp đồng nhận thầu đã ký. Do vậy khoản đội giá do xăng dầu tăng tương ứng với khoản thiệt hại chúng tôi sẽ gánh chịu về ngắn hạn. Về dài hạn có thể mức thiệt hại còn tăng do các chi phí liên quan khác” - ông Thịnh tính toán.

Tác động cả giá điện và giá xăng

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giờ đây doanh nghiệp và người dân đang đối mặt trước hai tác động rất lớn với đầu vào là tăng giá điện và xăng.

“Điều này lập tức sẽ tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp về đầu vào cũng như tạo thêm khó khăn cho người tiêu dùng. Về trung và dài hạn, chắc chắn việc tăng giá đó sẽ làm mặt bằng giá tăng, lạm phát tăng và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế VN” - ông Long nhận định.

 

TRẦN VŨ NGHI - HỒNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên