Một chuỗi siêu thị ở Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chính sách cho nhân viên nghỉ phép "nếu đi làm thấy không vui" từ hồi tháng 4. Theo đó, mỗi nhân viên được nghỉ tối đa 10 ngày có lương trong một năm, khi tâm trạng đang trong giai đoạn "buồn vui xui thất thường".
Nghỉ phép có lương trong 10 ngày nếu không vui
Trang The Strait Times dẫn lời Yu Dong Lai, chủ tịch chuỗi siêu thị: "Ai mà chẳng có lúc mệt mỏi, rã rời. Những lúc thế thì đừng đi làm. Loại nghỉ phép này cũng không cần quản lý phê duyệt luôn. Ai từ chối bảo tôi!".
Tưởng rằng chính sách này sẽ nhận được sự ủng hộ 100%, nào ngờ các chuyên gia về tâm lý học lại phản bác. Giáo sư Art Markman, phó giám đốc điều hành về các vấn đề học thuật tại Đại học Texas (Mỹ), nhận định "nghỉ phép do không vui" chưa chắc đã... vui?!
Ông diễn giải: "Nghỉ ngơi ngắn hạn có thể hữu ích nếu người lao động mệt quá trời và cần thời gian để phục hồi. Tuy nhiên, nếu nghỉ cái đùng khi đang trong một dự án quan trọng thì đúng là... ối trời ôi luôn".
Theo hiệu ứng Ovsiankina, con người sẽ không thôi nghĩ về nhiệm vụ còn dở dang. Thế nên, nếu nghỉ phép đúng lúc "chạy dự án" thì việc xả stress cũng chẳng có lợi ích gì vì lúc nào trong đầu cũng có hiện tượng tâm lý thôi thúc làm việc, hoàn thành tác vụ.
Vị giáo sư tâm lý cũng lưu ý, môi trường làm việc độc hại (toxic) thì "nghỉ phép khi không vui" gần như chẳng mang lại tác dụng gì. Thay vào đó, một công việc lý tưởng chỉ nên dừng ở mức 8 tiếng một ngày và 40 giờ một tuần. Ngoài ra, môi trường làm việc thoải mái, trao quyền tự chủ cũng như tạo cơ hội thăng tiến cũng đem lại hiệu suất công việc tốt.
"Riêng những người mắc chứng trầm cảm hay lo âu kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để giải quyết vấn đề", ông Markman nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận