Trong cả bốn cuộc tiếp, Thủ tướng đều khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam với tinh thần các bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Doanh nghiệp Úc muốn thí điểm điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
Là doanh nghiệp đầu tiên được gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Công ty Corio (thuộc Tập đoàn Macquarie đa ngành, đa quốc gia) đã trình bày kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Công ty này cũng chia sẻ quan tâm nghiên cứu để đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác trong tương lai, đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án. Đặc biệt, Corio cũng đề xuất cho phép triển khai dự án thí điểm điện gió ngoài khơi Việt Nam.
Trước đó, hôm 5-3 tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Úc ở Melbourne (Úc), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, Corio đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với Tổng công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại cuộc tiếp chiều 8-3, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Corio phối hợp với các bộ, ngành, đối tác liên quan phía Việt Nam nghiên cứu triển khai khẩn trương các dự án cụ thể trong thời gian tới.
Tinh thần là phải mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, trong đó điều quan trọng là giá thành điện gió phải phù hợp, các bên cùng có lợi.
Thủ tướng cũng mong muốn Corio đa dạng hóa đối tác tại Việt Nam, với EVN hoặc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều là doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió.
Ông cho biết Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp điện gió, do đó đề nghị tập đoàn chú trọng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ chứ không chỉ đầu tư.
Thủ tướng cũng đề nghị Corio xây dựng đề án thí điểm gửi ngay các cơ quan Việt Nam và giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo xử lý, giải quyết theo thẩm quyền; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lại Thủ tướng.
Đề nghị đưa doanh nghiệp Việt Nam sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Tiếp lãnh đạo hai tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản của Úc là ASM và EQ Resources, Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của hai tập đoàn trong thời gian qua.
Việc phát triển công nghiệp khoáng sản, theo người đứng đầu Chính phủ, là một nhiệm vụ chiến lược, do đó đòi hỏi nguồn lực và công nghệ hiện đại để phát huy tiềm năng sẵn có.
Thủ tướng nêu rõ các dự án khoáng sản cần triển khai theo hướng công nghệ cao, khai thác, chế biến sâu, không bán quặng thô.
Đồng thời phải tăng cường hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, nâng cao giá trị khoáng sản và đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Về phần mình, lãnh đạo ASM và EQ Resources bày tỏ sự quan tâm, tìm hiểu về định hướng thu hút đầu tư, cơ hội hợp tác phát triển chuỗi cung ứng một số loại khoáng sản tại Việt Nam.
Tán thành với Thủ tướng, lãnh đạo các tập đoàn khẳng định sẽ triển khai các dự án tại Việt Nam theo hướng ông đã nêu và bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao thông điệp "lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ" của người đứng đầu Chính phủ.
Là doanh nghiệp Úc chiếm tới 90% thị trường gạo của nước này, lãnh đạo Tập đoàn SunRice đã báo cáo Thủ tướng kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Năm 2008, tập đoàn này đã mua cổ phần chi phối tại nhà máy chế biến gạo Lấp Vò ở tỉnh Đồng Tháp với công suất chế biến khoảng 260.000 tấn lúa khô/năm.
Từ năm 2022 đến nay, SunRice phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) để triển khai dự án "Phát triển chuỗi cung ứng gạo chất lượng cao tại vùng ĐBSCL", với mục tiêu phát triển giống lúa có năng suất và chất lượng cao, bền vững phục vụ thị trường tiêu dùng quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn tập đoàn, với mạng lưới và sự ảnh hưởng của mình, sẽ hỗ trợ kết nối các đối tác phía Việt Nam với các đối tác Úc để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước trong thời gian tới theo hướng sản xuất xanh, cạnh tranh lành mạnh với các đối tác khác và đẩy mạnh thương mại điện tử.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong SunRice sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, tham gia hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng gạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong đó có tăng cường chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và làm việc trực tiếp với người nông dân, ổn định đầu ra lẫn đầu vào, xây dựng các kho chứa...
Những điều đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng và chất lượng của các sản phẩm gạo Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới và hỗ trợ đưa các sản phẩm của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong ngành thực phẩm Halal...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận