26/10/2018 17:14 GMT+7

Doanh nghiệp châu Âu hào hứng, Việt Nam dè dặt với EVFTA

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Gần như tất cả các doanh nghiệp châu Âu mong đợi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) trong khi doanh nghiệp Việt Nam dè dặt hơn khi nói về lợi ích EVFTA mang lại.

Doanh nghiệp châu Âu hào hứng, Việt Nam dè dặt với EVFTA - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ nội thất Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường khi hiệp định có hiệu lực - Ảnh: N.BÌNH

Mở cơ hội giao thương

Theo khảo sát gần đây của EuroCham thu thập từ hơn 130 doanh nghiệp, chiếm hơn 10% thành viên của EuroCham, gần 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi rằng sẽ có tác động "Mạnh mẽ" hoặc "Nhẹ" đến hoạt động kinh doanh trong trung hạn .

Hơn 80% tin rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó có 72% cho rằng hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài các tác động tích cực về mặt kinh tế, thành viên EuroCham tin rằng EVFTA sẽ cải thiện các vấn đề xã hội và môi trường tại Việt Nam. Chẳng hạn, khoảng 1/3 lượng phản hồi cho rằng EVFTA sẽ tác động "đáng kể" đến việc tăng cường "phát triển bền vững và bảo vệ môi trường".

"Các thành viên của chúng tôi chỉ ra một bức tranh tích cực, lạc quan về EVFTA, với 85% dự đoán EVFTA sẽ có tác động đáng kể hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ trong dài hạn", ông Nicolas Audier, đồng chủ tịch EuroCham, nói.

Khoảng 80% thành viên EuroCham tin rằng EVFTA sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hơn 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực ASEAN.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đón khá nhiều đoàn doanh nghiệp châu Âu sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao thương.

Một số doanh nghiệp châu Âu ở Thái Lan, Indonesia... cũng có ý định dịch chuyển nhà máy của họ về Việt Nam.

Phần "ngon" khó rơi vào doanh nghiệp Việt

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam khá dè dặt trong kỳ vọng những lợi ích mà định EVFTA đem lại, ngay cả khi FTA với EU sẽ giúp tăng đơn hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp châu Âu hào hứng, Việt Nam dè dặt với EVFTA - Ảnh 2.

Nếu EVFTA có hiệu lực trong năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam năm sau được cho là sẽ tăng 16 tỉ USD vào thị trường EU - Đồ họa: N.C.K

Theo đại diện Hội Gỗ mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), hiện EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD trong năm 2017.

EU là một thị trường lớn của Việt Nam, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng như đồ nội thất, mặt hàng ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn… trong đó đáng chú ý là các sản phẩm bàn ghế, kệ, tủ, giường… với giá trị kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng.

EVFTA có hiệu lực dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan đối với gỗ và sản phẩm gỗ trong EU sau giai đoạn tối đa là 7 năm.

Đại diện Hawa cho biết hiện đa phần mặt hàng gỗ xuất sang thị trường này đã được hưởng mức thuế khá thấp từ 0 đén 2,1% do hưởng thuế ưu đãi GSP.

Tuy nhiên, yếu tố tích cực là các doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong mua máy móc,1 thiết bị, công nghệ chế biến gỗ cũng như trình độ quản lý từ các nước thuộc khối EU.

Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Itimex Group, công ty chuyên xuất khẩu nông sản, cho rằng trước khi có EVFTA, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, sản phẩm đồ gỗ… thủy sản đều có chỗ đứng khá vững trên thị trường này.

EVFTA có thể tác động giúp Việt Nam thu hút đầu tư FDI nhiều hơn khi các doanh nghiệp khu vực đến đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất.

"Lợi ích sẽ không quá nhiều từ câu chuyện thuế. Vì ngay cả mặt hàng gạo dù EVFTA mở cửa cho gạo VN, nhưng sản lượng giới hạn cho phép mỗi năm là khá thấp, nên không có nhiều ý nghĩa. Để cụ thể hoá những lợi ích mà EVFTA đem lại cần thêm thời gian", ông Hà Nam nói.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, giám đốc Sao Nam, doanh nghiệp chuyên xuất ván sàn sang châu Âu, cho rằng trong khi EVFTA chưa đem lại lợi ích thì hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu ván sàn gặp phải bất lợi với tỉ giá, đồng Euro so với USD xuống thấp khiến cho hàng xuất từ Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hàng sản xuất tại châu Âu.

"Không chỉ cạnh tranh với các nước châu Á, bản thân các doanh nghiệp Việt Namđang phải cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất châu Âu", bà Loan nói.

Gần 50% doanh nghiệp châu Âu muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam

Theo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu thực hiện vào quý 2-2018 vừa được công bố hồi đầu tháng 10-2018, các nhà lãnh đạo châu Âu ở Việt Nam tiếp tục có đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh tại đây.

Chỉ số này đã tăng 6 bậc so với quý trước và cao nhất trong 18 tháng qua đạt 84 điểm. 62% nhà lãnh đạo được cho biết tình hình kinh doanh hiện tại của họ tốt, 12% đánh giá "tuyệt vời", tất cả đều tích cực hơn quý 1.

Hơn một nửa nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cũng phản hồi "ổn định và cải thiện" về nền kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, sự tích cực này giúp nâng cao niềm tin vào môi trường kinh doanh an toàn và cải thiện ở Việt Nam, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch mở rộng và tăng trưởng, cả về quy mô và đầu tư.

49% doanh nghiệp kỳ vọng về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh, gia tăng đầu tư ở đây.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho rằng các nỗ lực cải thiện chính sách của Việt Nam đang phát huy tác dụng, giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tự tin hơn trong việc phát triển kinh doanh tại thị trường này.

Xuất khẩu vào EU sẽ tăng 16 tỉ USD khi EVFTA có hiệu lực?

TTO - Nếu Hiệp định mậu dịch tự do VN - EU (EVFTA) có hiệu lực năm 2019 thì ngay trong năm sau xuất khẩu của VN vào thị trường EU sẽ tăng thêm 16 tỉ USD.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên