Bà Hạ Thúy Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đánh giá doanh nghiệp chăn nuôi đóng góp chưa tương xứng - Ảnh: A LỘC
Theo đó, bà Hạnh cho rằng tại Đồng Nai có rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi làm ăn thuận lợi trong thời gian qua nhưng việc đóng góp, chia sẻ chưa tương xứng.
"Doanh nghiệp hưởng lợi nhiều từ Đồng Nai nhưng tôi chưa thấy có một chính sách nào hữu ích cho người chăn nuôi địa phương. Thời điểm giá heo giảm thì yêu cầu chia sẻ, đến lúc giá tăng lại khó khăn về con giống. Tôi nghĩ doanh nghiệp cần có tinh thần chia sẻ, bán khoảng 20% con giống cho các cơ sở khác ngoài chuỗi của doanh nghiệp" - bà Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, các doanh nghiệp và trang trại gia công hầu như khép kín, trong khi đó rất nhiều cơ sở chăn nuôi có nhu cầu tăng đàn hoặc tái đàn. Đây cũng là một trong những khó khăn trong việc tăng đàn. Đồng Nai cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp bán con giống cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có khoảng 2,03 triệu con heo, giảm 19,3% so với cùng kỳ và giảm 19,4% so với thời điểm trước lúc xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF, tháng 4-2019). Trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn, với khoảng 6.150 hộ chăn nuôi.
Ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, cho biết toàn tỉnh đã tiêu hủy khoảng 450.000 con heo do dịch ASF, chi gần 670 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Cuối tháng 3, Đồng Nai công bố hết dịch ASF. Đến nay đã có 247 cơ sở chăn nuôi heo tái đàn, 81 cơ sở tăng đàn. Qua đó, tăng đàn heo của toàn tỉnh lên hơn 2 triệu con sau 4 tháng (tăng khoảng 14% so với tháng 1).
Đại diện đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: A LỘC
Ông Võ Văn Chánh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết mục tiêu của địa phương là nâng tổng đàn lên 2,5 triệu con vào cuối năm, bằng tổng đàn so với trước dịch ASF. Tuy nhiên, theo ông Chánh, kế hoạch tăng đàn cần phải rất thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ an toàn sinh học. Hộ nào chưa đảm bảo tạm thời để lại, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ, không cho tái đàn ở các khu dân cư.
"Một trong những vấn đề khó nhất hiện nay là con giống. Qua góp ý của đoàn công tác, chúng tôi sẽ tiếp thu đầy đủ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp FDI có tiềm lực về giống cũng như trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, để đảm bảo làm sao phát triển, cung cấp được nguồn giống cho người dân" - ông Chánh nói.
Tại buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đánh giá Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng đàn, tái đàn heo trong thời gian tới. Với 815 con heo giống cụ kỵ ông bà, 215.000 con nái sinh sản, chưa kể 64.517 con hậu bị… đây là nguồn tài nguyên rất lớn. Ông Tiến nhận định với tốc độ tăng đàn trên quy mô lớn như hiện nay, Đồng Nai sẽ sớm phục hồi tổng đàn bằng với thời điểm trước dịch.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc - Ảnh: A LỘC
Mặt khác, thứ trưởng cũng lưu ý Đồng Nai cần làm việc với các ngân hàng về lãi suất, vốn vay ưu đãi, đảm bảo chu kỳ để người chăn nuôi có điều kiện tái đàn, tăng đàn heo. Chỉ đạo doanh nghiệp chăn nuôi chia sẻ con giống cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như phải đề ra chính sách cụ thể hỗ trợ người nuôi heo giống phù hợp.
Trước đó, sáng 4-5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình chăn nuôi heo tại một số trang trại trên địa bàn Đồng Nai. Qua kiểm tra, đoàn công tác đánh giá công tác đảm bảo an toàn sinh học của người chăn nuôi khá tốt. Tuy nhiên, do khan hiếm con giống, giá quá cao nên người chăn nuôi không đủ khả năng tái đàn quy mô lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận