Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Vũ Đại Thắng và các đại diện EU trả lời họp báo chiều 30-6 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngày 30-6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết hai thỏa thuận gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Đây được cho là bước tiến lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, và cũng mang nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi về ưu đãi thuế quan cũng như môi trường đầu tư, thách thức cũng đặt ra không ít cho hàng Việt xuất khẩu vào thị trường khó tính như EU, chưa kể yếu tố cạnh tranh khi hàng EU cũng sẽ vào thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 30-6 tổ chức ở Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Về những lo ngại xung quanh thách thức từ thị trường và cạnh tranh, ông Trần Tuấn Anh khẳng định doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin, luật lệ, từ đó tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định EVFTA là nền tảng quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, "vì khi đảm bảo được năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ không chỉ đáp ứng được châu Âu mà còn là những thị trường khác".Thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa hơn 99% thuế nhập khẩu cho hàng hóa giao dịch, trong khi phần nhỏ còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch.
Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan, với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.
Có thể thấy về lý thuyết, hàng Việt Nam vào EU bước đầu sẽ được cam kết tháo gỡ thuế quan nhiều hơn, trong khi thời gian để xóa thêm loại thuế này cũng ngắn hơn so với hàng EU vào Việt Nam.
Phía EU nhận định đây là cách tiếp cận bất đối xứng và thể hiện sự hỗ trợ đối với một thị trường đang phát triển như Việt Nam.
Sau khi ký, EVFTA sẽ chờ Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn và có hiệu lực ngay lập tức từ năm 2020. Trong khi đó, quá trình phê chuẩn IPA sẽ mất nhiều thời gian hơn do đợi tiến độ từ tất cả các quốc gia thành viên EU.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận