08/04/2016 10:57 GMT+7

Doanh nghiệp "bán mình" có lỗi của cơ quan Nhà nước

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Dù có nhiều nguyên nhân và nhiều doanh nghiệp "bán mình" cho doanh nghiệp nước ngoài vì thấy có được lợi nhuận cao, nhưng để thực trạng này xảy ra lỗi đầu tiên là từ Nhà nước.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, nói như vậy tại Hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến thương mại & đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức sáng 8-4.

Theo ông Tuyển, hiện sau một thời gian tích lũy, nhiều doanh nghiệp VN có thương hiệu đã phải "bán mình" cho các doanh nghiệp nước ngoài vì tiên liệu mình không thể cạnh tranh được. Đây là điều rất đau lòng. Và dù có nguyên nhân, nhưng để thực trạng này xảy ra lỗi đầu tiên là từ Nhà nước.

“Nhà nước chưa tạo được một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, nhiều doanh nghiệp trong nước không tiên liệu được, chỉ nhìn thấy sự bất ổn trong môi trường kinh doanh và cảm thấy bất bênh nếu tiếp tục duy trì”, ông Tuyển nói.

Một lo ngại khác nữa là việc các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh thâu tóm cũng như tăng cường thiết lập mới hệ thống bán lẻ VN. Một khi hệ thống bán lẻ VN rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, hàng hóa VN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do đằng sau các chuỗi bán lẻ ngoại là dòng hàng hóa ngoại vào theo.

Hiện VN đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và tham gia vào sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, FTA với EU và TPP là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt.

Theo ông Tuyển, cơ hội  từ các hiệp định FTA đưa đến cho Việt Nam là thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn, tiếp thu công nghệ sản xuât và công nghệ quản lý mới, thúc đẩy tiến trình táí cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…

Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh. Một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm, tạo sức ép về mặt xã hội.

Thử dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ba năm tới, ông Trương Đình Tuyển cho rằng năm 2016, tác động của các FTA chưa lớn, kinh tế thế giới năm 2016 phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước đã xuất hiện những dấu hiệu khó hơn năm 2015.

Nếu tiến trình tái cơ cấu triển khai quyết liệt thì sẽ phải đánh đổi tăng trưởng. Trong ngắn hạn tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng đây là sự sụt giảm lành mạnh và có thể được bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.

Trong năm 2016, còn có sự chuyển giao lãnh đạo các cấp chính quyền, sẽ mất một thời gian để khởi động bộ máy mới. Từ những lý do trên, tăng trưởng năm 2016 chỉ ở mức 6,5%, thậm chí thấp hơn tùy thuộc vào kết quả của tái cơ cấu bốn nội dung trọng tâm và cải thiện môi trường kinh doanh.

Đến giai đoạn 2017 - 2018, nhiều khả năng TPP sẽ có hiệu lực trong năm 2017, trừ FTA Việt Nam -EU, các FTA đã kết thúc đàm phán cũng sẽ có hiệu lực, tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng, kinh tế thế giới được dự báo tăng rõ hơn. Đây là những yếu tố bên ngoài thuận lợi cho kinh tế Việt Nam.

Trong nước, bộ máy quản lý các cấp đã đi vào hoạt động ổn định, tạo động lực mới, phong trào khởi nghiệp sẽ mạnh hơn trong năm 2017, sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới, là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.

Có thể dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016 và năm 2018 sẽ còn cao hơn, nhưng ông Tuyển cũng lưu ý dự báo chỉ nêu được xu thế để định hướng cho doanh nghiệp hành đông, thực tiễn có thể khác, doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình để có hành động phù hợp.

Phát biểu tại hội nghị ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng khẳng định mục tiêu của VN khi tham gia vào TPP là nhằm mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; thúc đẩy thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà khu vực thương mại tự do TPP có thể đem lại.

Đồng thời hỗ trợ cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà VN đang tiến hành, hướng đến một mô hình tăng trưởng mới bền vững, năng động và hiệu quả hơn.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên