06/11/2021 16:00 GMT+7

Đoàn viên sau đại dịch: Tết sum vầy đầu tiên của hòa bình

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Dù đã trải qua 60 - 70 cái tết đủ cảm xúc đời người, họa sĩ Lê Thiết Cương hay nhạc sĩ Thụy Kha vẫn cứ da diết nhớ và tha thiết thương những cái tết gia đình đoàn viên đầu tiên của hòa bình.

Đoàn viên sau đại dịch: Tết sum vầy đầu tiên của hòa bình - Ảnh 1.

Nhà thơ Thụy Kha (bìa trái), họa sĩ Lê Thiết Cương (bìa phải) cùng họa sĩ Trịnh Tú (thứ 2 từ trái qua) và đạo diễn Đào Trọng Khánh (thứ 2 từ phải qua) - Ảnh: FB Lê Thiết Cương

1. 60 tuổi "ta", chuẩn bị làm triển lãm vẽ Kiều, ông Lê Thiết Cương bỗng nhớ da diết những ngày thơ ấu khốn khó bom đạn ở cùng bà lúc sơ tán cuối năm 1972.

Cũng chính bà là người đã định nghĩa tết cho đứa trẻ 10 tuổi khi về ở với bà những ngày sơ tán nửa thế kỷ trước: "Tết là sum vầy". Để rồi định nghĩa ấy theo ông suốt cuộc đời.

Năm ấy, một mùa đông thương đau và hào hùng. Ông Cương sơ tán khỏi Hà Nội, về sống với bà ở ngôi làng xứ Đoài mây trắng. Tưởng bà cháu được yên ổn, không phải ngửi mùi khói bom, nhưng một bệnh viện lại sơ tán về gần làng nên máy bay Mỹ ra sức bắn phá.

10 tuổi, đêm Noel lịch sử năm 1972, ông Cương cả đêm liên tục nắm tay bà chốc chốc lại chạy từ hầm trú ẩn dưới rặng tre qua mảnh sân nhỏ vào nhà hoặc ngược lại theo những đợt ném bom. Chạy đi chạy lại mệt quá, bà trải luôn rơm làm nệm để bà cháu nằm ngủ trong hầm.

Rồi những đêm bom đạn hãi hùng cũng qua đi. Hiệp định Paris được ký kết tháng 1-1973, ngay trước thềm tết âm lịch. Cha mẹ ông Cương sung sướng về làng đón các con trở lại Hà Nội hưởng cái tết đoàn viên.

Nhưng kế hoạch lập tức thay đổi khi mọi người giật mình nghe bà trách: "Tết là sum vầy. Những ngày bom rơi đạn nổ, đói khổ hiểm nguy thì bà cháu đùm bọc quây quần bên nhau. Giờ đón cái tết hòa bình đầu tiên thì con cháu đi bỏ lại bà lủi thủi".

Cả gia đình ông Cương đã quyết định ở lại ăn tết cùng bà. Cái tết hòa bình đầu tiên, cái tết của sum vầy tình thân nơi ngôi làng nhỏ mãi mãi là cái tết ấm áp nhất với ông Cương.

Không biết có phải vì cái tết đặc biệt ấy mà ông khi đó mới chỉ là đứa trẻ 10 tuổi đã ghi nhớ được câu nói của bà về tết, để cả đời ông luôn cố gắng giữ cho mình điều tâm niệm ấy: "Tết là sum vầy".

2. Hiến dâng tuổi trai trẻ cho đất nước như bao bạn bè đồng trang lứa, ông Nguyễn Thụy Kha có nhiều cái tết giữa rừng, nơi mặt trận đầy bom đạn sống chết. Những năm ấy, lá thư của cha mẹ chính là món quá tết quý giá với ông Kha.

Chàng lính trẻ Hà Nội vừa vui vừa buồn với những lá thư chứa chan tình thân trong lúc mong manh sống chết. Vui vì như nhận được một gói yêu thương từ gia đình, mà buồn vì thương cha mẹ "những cái tết không có tết" bởi gia đình phải chịu cảnh "chiến trường chia nửa vầng trăng".

Nên cái tết đầu tiên sau đất nước thống nhất, cái "mùa xuân đầu tiên" (năm 1976), người lính trẻ trở về từ mặt trận đã khóc ở trong lòng, những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc sum vầy sau bao nhiêu đoạn trường chia ly, đối mặt sống chết.

Những vần thơ reo lên trong ông, chảy nơi ngòi bút về niềm hạnh phúc đoàn viên trong cái tết hòa bình đầu tiên ấy. Để mãi về sau, tết với gia đình ông luôn cố gắng là những cái tết của đoàn tụ tình thân.

Ông Kha xúc động kể ông cũng từng rơi nước mắt trong những cái tết chia ly vì chiến tranh và trong những cái tết sum vầy hòa bình, đến lượt các con cháu ông cũng vậy. Khi xưa cha mẹ không thấy những giọt nước mắt của ông trong những cái tết chiến trường xa nhà, nhưng ông thì thấy con mình đã òa khóc trong cái tết xa gia đình trên đất Mỹ.

Hẳn thời nào cũng thế, cái khát vọng đoàn viên trong ngày tết luôn mạnh mẽ trong người Việt, trở thành căn tính, thành cái gốc rễ văn hóa bền chặt bao bọc những ngôi làng từ bên trong và cả hồn phố thuở nào.

Mời bạn thi viết "Đoàn viên sau đại dịch"

Nhân dịp năm mới sắp đến, báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành Piaggio Việt Nam tổ chức cuộc thi "Đoàn viên sau đại dịch" để bạn đọc gửi những cảm xúc, mong mỏi, câu chuyện về sự sum họp đoàn viên ngày tết, hình dung về tết năm nay, hành trình để đến gần hơn với sự sum họp.

Đó là mong ước không thành khi những người xa quê, xa nhau không thể về sum họp trong năm mới vì kinh tế, vì dịch bệnh. Cũng có thể là những ký ức về khoảnh khắc sum họp bên mâm cơm, hành trình về quê, nỗi nhớ về người thân yêu...

Ngoài ra còn có những phần quà đặc biệt đến từ đơn vị đồng hành Piaggio Việt Nam nếu bạn chia sẻ về những kỷ niệm, dấu ấn khó quên của bạn và gia đình khi rong ruổi cùng Vespa trong dịp tết đến xuân về.

Bài viết dự thi gửi về email [email protected] hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tham gia cuộc thi viết "Đoàn viên sau đại dịch". Nhận tác phẩm đến hết ngày 15-12-2021; ngoài nhuận bút, sẽ có nhiều giải thưởng có giá trị.

Ban tổ chức

Đoàn viên sau đại dịch: Tết sum vầy đầu tiên của hòa bình - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đoàn viên sau đại dịch: Phía xa kia là khói quê nhà Đoàn viên sau đại dịch: Phía xa kia là khói quê nhà

TTO - Bước qua tháng 10 âm lịch, trời bắt đầu mưa như trút. Mỗi bận gọi về, ba chỉ quẩn quanh "Nước ngập đến đồng Găng chưa con? Ruộng Sũng mùa này chắc lở hết rồi. Năm nay hạn nhiều nên mưa cũng dữ...".

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên