02/03/2017 13:58 GMT+7

Đoàn Thị Hương có thể phải qua 5 phiên tòa

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - TS. Đinh Thế Hưng - Trưởng Phòng Pháp luật Hình sự Viện nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết như trên.

Cảnh sát dẫn giải Đoàn Thị Hương (giữa) sau phiên công bố cáo trạng tại Malaysia - Ảnh: Reuters
Cảnh sát dẫn giải Đoàn Thị Hương (giữa) sau phiên công bố cáo trạng tại Malaysia - Ảnh: Reuters

Theo TS. Đinh Thế Hưng, căn cứ quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự Malaysia thì phiên tòa diễn ra ngày 1-3 vừa qua là phiên tòa sơ bộ (pretrial), mục đích thông báo cho và người bào chữa biết bị cáo bị buộc tội gì để chuẩn bị bào chữa.

Qua nhiều lần xét xử mới có phán quyết sau cùng

Nếu bị cáo nhận tội thì sẽ được áp dụng nguyên tắc thỏa thuận nhận tội giữa bị cáo và bên công tố. Khi bị cáo nhận tội thì phiên xét xử sẽ diễn ra sau đó mà phía công tố không cần phải điều tra thêm. Sau phiên tòa sơ bộ, phía công tố và luật sư bào chữa cho bị cáo tiếp tục củng cố chứng cứ.

Nếu bị cáo không nhận tội, sẽ có phiên tòa chứng cứ tiếp theo. Phiên tòa này được mở để xem xét tính hợp pháp của các chứng cứ do công tố và luật sư cung cấp.

Tòa sẽ xem xét xem chứng cứ bên buộc tội thế nào, bị cáo có bị cảnh sát ép cung không? Luật sư của bị cáo đưa ra chứng cứ gỡ tội ra sao, triệu tập ai làm chứng, các nhân chứng sẽ tuyên thệ khai trung thực…

Phiên tòa thứ 3 là phiên xét xử chính thức có bồi thẩm (preliminary hearing). Lúc này các bên sẽ chính thức tranh tụng với nhau về quan điểm buộc tội, gỡ tội. Phán quyết về tội danh và hình phạt của bị cáo sẽ dựa trên kết quả tranh tụng của hai bên.

Sau phiên tòa bồi thẩm thì bị cáo có quyền kháng cáo lên tòa phúc thẩm (Cour d’appel)  giống như tố tụng hình sự ở Việt Nam.

Sau phiên tòa phúc thẩm, nếu thấy có sai sót, oan sai thì bản án sơ thẩm, phúc thẩm sẽ bị phá án. Thời hạn xem xét giữa các phiên tòa có thể rất dài.

Theo TS Đinh Thế Hưng, mô hình tố tụng của Malaysia là mô hình tranh tụng triệt để của hệ thống pháp luật Anh- Mỹ (common- law), vì vậy luật sư có vai trò cực kỳ lớn.

“Vai trò của luật sư và bên công tố là ngang nhau, hai bên có quyền đưa ra các chứng cứ, quan điểm để tòa xem xét. Đây cũng là mô hình Việt Nam đang tiếp thu điểm tích cực của nó nhằm bảo vệ quyền con người” - Ông Hưng cho biết.

Luật sư Việt Nam không được tranh tụng tại tòa án Malaysia

Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết ngoài luật sư do Malaysia chỉ định thì Đoàn Thị Hương sẽ có thêm luật sư bào chữa nếu Đại sứ quán Việt Nam hoặc gia đình Hương thuê luật sư ở Malaysia.

Theo ông Bùi Đình Ứng, theo quy định của Malaysia, nếu luật sư Việt Nam có yêu cầu tham gia tố tụng hình sự và tranh tụng tại tòa án để bảo vệ cho Đoàn Thị Hương cũng không được chấp thuận

“Tuy không thể tranh tụng tại tòa nhưng luật sư Việt Nam có thể hỗ trợ tư vấn pháp luật cho Đoàn Thị Hương và gia đình. Đồng thời bằng trình độ, kinh nghiệm của mình, các luật sư có thể trao đổi với luật sư của Malaysia nhằm có phương án bảo vệ cho Hương một cách tốt nhất” - Ông Bùi Đình Ứng cho biết.

Theo TS.Đinh Thế Hưng, luật sư Việt Nam nếu muốn tham gia tư vấn, bảo vệ cho bị cáo Đoàn Thị Hương thì phải tuân thủ quy định pháp luật của Malaysia. 

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Đoàn Thị Hương bị bắt giữ cùng nghi phạm Siti Aisyah (quốc tịch Indonesia) vì bị tình nghi có liên quan đến cái chết của người đàn ông Triều Tiên được cho là ông - anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Trong phiên tòa ngày 1-3, Đoàn Thị Hương bị cơ quan kiểm sát của Malaysia cáo buộc tội giết người với hình phạt cao nhất có thể là từ hình.

Tại phiên tòa này, Đoàn Thị Hương không thừa nhận cáo buộc và nói mình vô tội.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên