Suốt 90 năm, Đoàn luôn sắt son niềm tin với Đảng, trở thành đội dự bị tin cậy của Đảng, lực lượng đông đảo, đội quân xung kích cách mạng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam.
Những lần đổi tên của Đoàn:
- Từ năm 1931 - 1936: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương
- Từ năm 1936 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
- Từ năm 1939 - 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương
- Từ năm 1941 - 1956: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam
- Từ năm 1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
- Từ năm 1970 - 1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh
- Từ năm 1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Đến nay, Đoàn quy tụ được: hơn 24 triệu thanh niên và 6,4 triệu đoàn viên.
Tháng 6-1925, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên với nòng cốt là Cộng sản Đoàn tuyên bố thành lập, mở rộng các hoạt động, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào yêu nước của nhân dân ta, đặc biệt của thanh niên.
Cuối năm 1925, đầu năm 1926, Nguyễn Ái Quốc cử Hồ Tùng Mậu về Thái Lan để củng cố cơ sở cách mạng của bà con Việt kiều, đồng thời lựa chọn một số thanh niên ưu tú là con em Việt kiều yêu nước bí mật đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) để chuẩn bị cho đội ngũ kế cận cách mạng sau này, chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên cộng sản Đoàn trong nước.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10-1931) đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên cộng sản. Hội nghị thông qua "Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng", đặc biệt là thông qua "Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động".
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 20 đến ngày 26-3-1931 do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì, đề ra nhiệm vụ: "Cần kíp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn, Đảng cần kíp đánh tan cái thái độ hờ hững lãnh đạm với vấn đề đó".
Dần xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đến cuối năm 1931, số lượng đoàn viên cả nước lên đến hơn 2.500.
Tháng 3-1961, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba đã quyết định lấy ngày 26-3-1931 (một trong những ngày cuối của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng đối với công tác vận động thanh niên) làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hằng năm.
Ngay sau khi thành lập, Đoàn TNCS Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào này, xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh, hi sinh vì Tổ quốc, tiêu biểu là anh hùng Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác".
Tháng 9-1939, Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Tổ chức Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật, lấy tên gọi mới là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
Tháng 5-1941, tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó, Cao Bằng. Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó.
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I tại Đại Từ, Thái Nguyên (ngày 7 đến ngày 14-2-1950) với chủ đề "Chiến đấu và xây dựng tương lai", hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào "Tòng quân giết giặc lập công".
Ngày 19-10-1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, tuổi trẻ thủ đô đã phát động phong trào "Ba sẵn sàng". Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước.
Tháng 2-1965, Đại hội Đoàn Thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào "Năm xung phong" với hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 14-2-1950 tại Thái Nguyên, với sự tham dự của 400 đại biểu. Đây là đại hội thể hiện ý chí "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Pháp xâm lược".
Từ thành công của đại hội, hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch và phong trào "Tòng quân giết giặc lập công"; Thi đua sản xuất trong nông nghiệp và công nghiệp, xóa nạn mù chữ; Phong trào chống địch bắt lính; Thi đua lập công trong các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25-10 đến ngày 4-11-1956 với sự tham gia của 479 đại biểu.
Ngay sau đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã phát động phong trào thi đua sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên chống đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục phát triển.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23 đến 25-3-1961 với sự tham gia của 677 đại biểu. Đại hội đã phát động phong trào "Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất".
Tháng 8-1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, tuổi trẻ thủ đô phát động phong trào "Ba sẵn sàng" và phát triển sâu rộng trong cả nước. Ở miền Nam phát động phong trào "Năm xung phong". Từ hai phong trào này, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 20 đến ngày 22-11-1980): Đẩy mạnh hơn nữa phong trào "Ba xung kích" thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ; "Hành quân theo bước chân những người anh hùng"; "Hành quân theo chân Bác".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 27 đến 30-11-1987): Phát động phong trào "Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 15 đến 18-10-1992, tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI (tháng 2-1993) đã quyết định triển khai hai phong trào lớn là "Thanh niên lập nghiệp" và "Tuổi trẻ giữ nước".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII từ ngày 26 đến 29-11-1997 đã quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào lên một tầm cao mới.
Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định chọn "Năm Thanh niên Việt Nam".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII từ ngày 8 đến ngày 11-12-2002, phát động phong trào lớn "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17 đến 21-12-2007, tập trung triển khai hai phong trào lớn: "Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017 được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14-12-2012 tại Hà Nội. Đại hội quyết định tiếp tục triển khai 2 phong trào: "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".
Nhiều phong trào lớn của Đoàn được triển khai, tạo được hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng như phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới", "Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị"; phong trào học sinh, sinh viên như: "Học sinh 3 rèn luyện", "Khi tôi 18", "Sinh viên 5 tốt"; hay phong trào thi đua "3 trách nhiệm", "Sáng tạo trẻ".
Phong trào "Thanh niên tình nguyện" có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13-12-2017 tại Hà Nội (nhiệm kỳ 2017-2022). Đại hội tập trung triển khai ba phong trào hành động cách mạng: "Thanh niên tình nguyện"; "Tuổi trẻ sáng tạo"; "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc". Đồng thời triển khai ba chương trình đồng hành với thanh niên: "Đồng hành với thanh niên trong học tập"; "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp"; "Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận