Đoán sức khỏe tâm thần qua lời nói

TRƯỜNG SƠN 14/07/2016 04:07 GMT+7

TTCT - Liệu máy móc có thể thay thế các nhà tâm lý trị liệu lắng nghe con người và đoán biết được họ có khả năng mắc các vấn đề về tâm thần hay không?

Công nghệ mới cho nhiều hi vọng
Công nghệ mới cho nhiều hi vọng


Chính xác 100%?

Câu trả lời đến từ nhà khoa học thần kinh người Argentina Mariano Sigman và nhóm nghiên cứu của ông là có - thông qua một thuật toán có thể dự đoán chính xác 100% khả năng mắc tâm thần phân liệt của bệnh nhân bằng cách phân tích lời nói của họ.

Sigman đã diễn giải công trình nói trên trong bài diễn thuyết “Lời nói của bạn có thể dự đoán tương lai sức khỏe tâm thần của bạn” trên TED hôm 16-6 vừa qua. Đây là kết quả ông cùng các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Colombia, Viện thần kinh bang New York và Trung tâm nghiên cứu IBM Thomas J. Watson thực hiện và báo cáo trên tạp chí chuyên ngành từ năm ngoái.

Tâm thần phân liệt (schizophrenia) là rối loạn tâm thần mà người mắc phải luôn nghe thấy các giọng nói không có thật trong đầu và rối loạn suy nghĩ.

Sigman cho rằng có thể theo dõi mức độ ổn định tâm thần của bệnh nhân bằng cách theo dõi khả năng nói chuyện của họ, bởi nếu trong đầu bệnh nhân đầy những giọng nói tưởng tượng và ý nghĩ hoang tưởng, lời nói của họ sẽ phản ảnh được chúng.

Trên thực tế, chính bằng cách tiếp cận này mà các nhà trị liệu hiện nay có thể phần nào dự đoán được khả năng những người có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt thật sự phát bệnh bằng cách phỏng vấn và phân tích khả năng ngôn ngữ của họ.

Song, Sigman cho rằng phương pháp này rất cảm tính và chủ quan bởi chúng phụ thuộc hoàn toàn vào bản năng và trực giác của nhà trị liệu. Nhà khoa học thần kinh này do đó bắt tay xây dựng một thuật toán để giúp phương pháp này khách quan và định tính hơn. Thực tế, độ chính xác của thuật toán này, như kết quả thí nghiệm công bố trên tạp chí Schizophrenia, là 100%!

Theo đó, nhóm nghiên cứu phỏng vấn 34 người có khả năng bị tâm thần phân liệt, ghi chép lời nói của họ, nhưng không tự mình phân tích chúng mà giao cho một phần mềm máy tính làm thay.

Chương trình này sẽ phân tích sự nhất quán về mặt ngữ nghĩa (semantic) và cú pháp (syntax) trong lời nói của người tham gia nghiên cứu để tiên liệu họ có thể phát bệnh tâm thần phân liệt hay không. Chương trình dự đoán 5 trong số 34 người tham gia sẽ bị tâm thần phân liệt, và sau hai năm rưỡi, 5 người đó thật sự mắc bệnh.

Cơ sở để máy tính đưa ra dự đoán là mức độ rời rạc trong lời nói của những người tham gia khảo sát, cũng như các yếu tố như độ dài và cấu trúc của câu (dài hay ngắn, câu đơn hay câu ghép nhiều mệnh đề...).

Con người dĩ nhiên hoàn toàn có thể làm chuyện này, nhưng mất thời gian hơn và khó chính xác hơn. “Hãy hình dung tôi phỏng vấn một người trong 45 phút và người này chỉ một lần nói năng rời rạc, lung tung, song lại đúng vào khoảnh khắc tâm trí tôi cũng đang lang thang đâu đó và thế là tôi bỏ lỡ dấu hiệu này, nhưng với máy móc thì không” - Guillermo Cecchi, thành viên của nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu IBM, nói với The Atlantic.

Có nên cho biết sắp bị tâm thần?

Nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Schizophrenia thuật toán phân tích lời nói của họ mở ra khả năng “giúp ngành tâm thần học không phải phụ thuộc hoàn toàn vào các báo cáo và quan sát lâm sàng do con người thực hiện, mà áp dụng các phương pháp khách quan hơn”.

Tuy nhiên, Sigman và các đồng nghiệp không ăn mừng quá sớm, bởi họ hiểu kết quả chính xác 100% kia chỉ dựa trên nghiên cứu vỏn vẹn 34 người là quá nhỏ. Guillermo Cecchi cho rằng phần mềm chỉ mới phân tích lời nói của bệnh nhân thông qua văn bản, trong khi các yếu tố khác như ngữ điệu, âm lượng và nhịp điệu khi bệnh nhân trả lời phỏng vấn, vốn cũng là yếu tố quan trọng phản ánh người ta đang nghĩ gì khi nói, lại không được xem xét.

Trong bài phỏng vấn với trang Inverse đầu tháng 6, Sigman cũng thừa nhận thuật toán phân tích ngôn ngữ của ông chỉ có thể sử dụng như một ứng dụng dự đoán tình hình sức khỏe chứ không mang tính chẩn đoán.

“Sẽ không có chuyện điện thoại của bạn sẽ nhắc rằng: Này, hãy uống thuốc đi vì anh đang bắt đầu nói năng rời rạc rồi đấy” - Sigman nói với Inverse. Song nhà khoa học này tin tưởng thuật toán sẽ giúp cải thiện tỉ lệ chính xác trong việc chẩn đoán tâm thần phân liệt, vốn chỉ đang ở mức 30%.

Nhưng nhóm nghiên cứu cũng còn lo ngại khác: Ta sẽ làm gì với kết quả dự đoán? Liệu nói cho một người biết họ sắp bị tâm thần phân liệt có phải là điều nên làm?

Chưa hết, nếu thông tin dự đoán của một người bị rò rỉ vào tay giới bảo hiểm, cảnh sát hay đơn giản là sếp của bệnh nhân thì sao? Sigman cho rằng kết quả dự báo có thể sẽ chẳng giúp gì cho ông, nếu không muốn nói là thêm hoang mang, nhưng nó sẽ vô cùng có ích với các nhà trị liệu. “Luôn có sự khác nhau rõ ràng giữa việc biết trước bạn sẽ bị bệnh và biết quá muộn” - ông nói với Inverse.

Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhân được thông báo kết quả để chuẩn bị tinh thần, thật khó có thể đưa ra các giải pháp để ngăn phát bệnh.

“Giả sử bạn bị chẩn đoán sẽ mắc bệnh tim, bạn sẽ biết nên kiêng thứ này thứ kia, nhưng mọi thứ không dễ dàng như thế với trường hợp bệnh tâm thần phân liệt” - Sigman giải thích. Song, dù việc tiên lượng ai đó sẽ hóa điên sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, Sigman vẫn cho rằng “đây là vấn đề mà xã hội cần nghiêm túc xem xét để đưa ra các định hướng đúng đắn”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận