Phóng to |
Beckham nâng cao chiếc cúp vô địch MLS 2012 - Ảnh: Reuters |
Sân Home Depot Center (California) đêm 1-12 chứng kiến những hình ảnh cuối cùng của Beckham ở MLS. Beckham cùng ba con trai Brooklyn, Romeo và Cruz cười rạng rỡ khi nâng cao cúp vô địch. Cựu thủ quân tuyển Anh đã dang rộng lá cờ Union Jack của Liên hiệp Anh.
Sáu năm trước, khi Beckham ký hợp đồng với LA Galaxy, MLS đang vật lộn trong thế giới thể thao cực kỳ cạnh tranh ở Mỹ. Ở đất nước có hàng ngàn kênh radio, truyền hình về thể thao, hầu như không có kênh nào có quá năm phút về bóng đá mỗi tuần. Mỗi mùa Euro hay World Cup, tìm được một quán bar chiếu bóng đá luôn là thử thách với người hâm mộ. Mọi người vẫn nói CĐV bóng đá Mỹ nhiều khi đến sân chỉ là để coi pháo hoa hay kiếm quà khuyến mãi. Sau bóng chày, bóng rổ, bóng bầu dục, bóng đá thậm chí không được quan tâm như các môn golf, tennis, đua xe hay thể thao ở các trường đại học.
Nhưng trong sáu năm gần đây, dấu ấn của Beckham có thể thấy ở mọi nơi - từ camera truyền hình nước ngoài thường xuyên theo dõi sân tập của LA Galaxy cho tới mức lương ngày càng tăng của các cầu thủ. MLS hiện đã có thêm 7 đội và 10 sân bóng đá mới. Tỉ lệ khán giả đến sân trung bình của MLS mùa này là 18.807 người/trận, lần đầu tiên vượt tỉ lệ giải bóng rổ nhà nghề (NBA) và giải hockey (NHL) của Mỹ (về giá trị thương mại và truyền hình thì chưa). Và có lẽ điều quan trọng nhất là Beckham đã mang hình ảnh của MLS tới khán giả truyền hình khắp toàn cầu.
Don Garber, người đứng đầu MLS, cho rằng không cầu thủ nào tạo nhiều thay đổi với môn bóng đá ở Mỹ như Beckham. “Anh ấy sẽ mãi được ghi nhận là cầu thủ đã giúp giải đấu đi theo một hướng mới - cao xa hơn. Có thể coi anh ấy là mẫu cầu thủ của cả thế hệ - người có khả năng thúc đẩy môn thể thao và thu hút sự chú ý chưa từng có” - Don Garber nói với Hãng tin AFP.
Cựu thủ quân của tuyển Anh với cái chân phải tài tình và nụ cười rạng rỡ không còn nằm trong top những cầu thủ hàng đầu thế giới khi vượt Đại Tây Dương sang Mỹ ở tuổi 32. Nhưng ảnh hưởng của anh khi đó là không thể bàn cãi.
Ngay trong mùa đầu, số khán giả tới sân đã tăng hơn 40% mỗi khi LA Galaxy đá trên sân khách. Ở nhiều thành phố, các đội đã phải chuyển tới sân vận động lớn hơn mỗi khi Beckham tới thi đấu. Bản quyền truyền hình giải MLS cũng được bán tới hơn 100 quốc gia trên toàn cầu.
Và để Beckham tới được Mỹ, MLS cũng phải thông qua một điều luật bổ sung, gọi là “luật Beckham”, cho phép các đội được phá giới hạn lương của MLS để ký hợp đồng với các ngôi sao lớn. Một loạt ngôi sao lớn khác như Thierry Henry, Robbie Keane, Rafael Marquez sau này đã chấp nhận tới MLS cũng là nhờ điều khoản “luật Beckham” này.
Nhưng thành công không đến dễ dàng với cựu tiền vệ của Manchester United và Real Madrid. Anh có những mùa giải đầu khó khăn ở MLS bởi chấn thương và phong độ thất thường. CĐV của LA Galaxy nhiều lần đặt dấu hỏi về cam kết thi đấu của anh với đội khi Beckham hai năm liên tiếp sang AC Milan giữa mùa với hi vọng giành được một vị trí trong tuyển Anh tại World Cup 2010. CĐV của Galaxy huýt sáo, la ó anh mỗi lần trở về.
Beckham chỉ được CĐV ủng hộ trở lại nhờ phong độ xuất sắc ở mùa giải 2011. Đó cũng là mùa đầu tiên anh mang chức vô địch MLS về cho LA Galaxy. Mùa giải này, anh thậm chí chấp nhận giảm 40% lương để tiếp tục thi đấu thêm một mùa cho Galaxy - kết quả là thêm một danh hiệu vô địch nữa.
Jurgen Klinsmann, cựu thủ quân tuyển Đức và HLV hiện tại của tuyển Mỹ, cho rằng ngoài sự quan tâm, Beckham đã giúp tăng thêm uy tín cho MLS, nhất là với những ngôi sao hàng đầu thế giới. “Anh ấy là người tiên phong. Anh ấy đến vào thời điểm giải đấu không ổn định. Giờ thì MLS rất ổn định và ngày càng mạnh sau mỗi năm” - báo New York Times (Mỹ) trích lời Klinsmann.
HLV John Doyle của đội San Jose Earthquakes nói: “Bất cứ ai gắn với MLS đều biết ơn Beckham. Beckham có ảnh hưởng lớn lên mọi thứ, từ danh tiếng của giải đấu cho tới số CĐV đến để coi anh ta”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận