Một nhóm dân quân tự vũ trang thuộc phong trào Boogaloo ở Mỹ. Những nhóm theo phong trào Boogaloo cực hữu tin rằng nước Mỹ sẽ phải trải qua thêm một lần nội chiến nữa và luôn sẵn sàng cho chuyện đó - Ảnh: AFP
"Tôi mới sắm thêm một khẩu AK-47. Đạn cũng không mắc và tôi vẫn có thể mua được", một luật sư ở Denver tự nhận mình tên Ewing nói với Hãng tin Reuters.
Theo dữ liệu của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), doanh số bán súng đạt kỷ lục 3,9 triệu khẩu trong tháng 6. Đạn cho súng trường AR-15 đang có dấu hiệu cháy hàng tại các bang như Washington và Colorado.
Khi thời gian dần trôi về mốc ngày 3-11, ngày càng nhiều người Mỹ lo lắng bạo loạn và xung đột giáo phái sẽ bùng phát nếu không xác định được Donald Trump hay Joe Biden là người chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Một minh họa mới nhất là vụ bắt giữ 13 người ở bang Michigan hồi giữa tuần trước. Những kẻ này đã lên kế hoạch bắt cóc thống đốc Michigan, tấn công vào tòa nhà nghị viện tiểu bang nhằm kích động một cuộc nội chiến.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến việc ra nước ngoài khó khăn, một số người Mỹ đã quyết định "đưa nhau đi trốn" ở các vùng nông thôn xa thành thị trong những ngày diễn ra bầu cử.
Số khác, như luật sư Ewing, mua thêm súng ống và đạn dược để phòng thân. Michelle Morin, chủ một doanh nghiệp ở bang Colorado, đã tham gia các lớp học tự vệ. Bà cùng với những người hàng xóm bảo thủ lập thành các đội nhóm để tự bảo vệ nhà của nhau.
Những người ủng hộ ông Trump tuần hành tại Washington D.C ngày 10-10 - Ảnh: REUTERS
Đối với những người Mỹ như cố vấn tài chính David Powell, nỗi lo lớn nhất là họ có thể bị buộc phải đứng về một phía nào đó để bảo vệ quyền công dân của mình, tài sản riêng và thậm chí là tính mạng.
Powell, người đang ở bang Bắc Carolina, thừa nhận ông rất lo các nhóm chống phát xít cực tả Antifa và đã chuẩn bị sẵn tâm thế "đứng gác" trong khu ông sống nếu cần thiết.
"Tôi không phải là thành viên của bất kỳ nhóm nào, không muốn tham gia vào một nhóm nào cả. Nhưng tôi là người thường xuyên theo dõi tin tức và ngày càng bất an trước những gì tôi thấy", Powell giải thích.
Các nhóm Antifa chủ trương sử dụng hành động trực tiếp để đạt được mục đích hơn những cách ôn hòa như cải cách chính sách. Hầu hết thành viên Antifa phản đối tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, giới tính và lên án mạnh mẽ những chính sách mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc, chống nhập cư của Tổng thống Trump.
"Mối đe dọa khủng bố chính" mà Mỹ phải đối mặt, theo báo cáo ngày 6-10 của Bộ An ninh nội địa Mỹ, là những kẻ hành động đơn độc, những nhóm nhỏ cực đoan trong nước có thể hành động vì bất bình.
Một cuộc thăm dò vào tháng 10 mới được công bố trên Politico cho thấy khoảng 1/3 người Mỹ tin rằng bạo lực là một cách để đạt được các mục đích chính trị, gần gấp đôi so với cuộc khảo sát tháng 12-2019.
"Kịch bản khả dĩ nhất là bầu cử vẫn sẽ diễn ra và không có bạo loạn lớn, nhưng nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực nghiêm trọng ở cấp thấp sẽ cao hơn đáng kể so với trước đây", chuyên gia Lee Drutman cảnh báo.
Joan Donovan, một chuyên gia tại Đại học Harvard, giải thích việc nhiều người tự vũ trang và thành lập các nhóm dân quân là do họ tin rằng "thời thế tạo anh hùng". "Họ nghĩ rằng họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời khắc xã hội biến đổi sâu rộng như thế".
Một số cộng đồng dân cư và các hội nhóm đã cố gắng tìm cách giảm bớt căng thẳng, thường là sau khi họ biết được có rất nhiều người đã mua súng và sẵn sàng sử dụng chúng để chống lại mình.
Chẳng hạn tại Portland, bang Oregon, nhà hoạt động cánh tả Dre Miller đã liên hệ với các nhà lãnh đạo cánh hữu Proud Boys với hi vọng có thể thiết lập một đường dây liên lạc giải quyết mâu thuẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận