04/04/2017 10:53 GMT+7

Đoàn hát tuồng Nam Diêu và làng hát bội ở Hội An

THANH BA
THANH BA

TTO - Đêm 14 âm lịch. Ở một góc nhỏ trên con phố cổ sầm uất tại Hội An (Quảng Nam), du khách tò mò dừng chân bên một sân khấu nhỏ.

Các diễn viên trong đoàn tuồng mở lớp đào tạo cho các bạn trẻ - Ảnh: THANH BA
Các diễn viên trong đoàn tuồng mở lớp đào tạo cho các bạn trẻ - Ảnh: THANH BA

Đó là sân khấu hát bội, một loại hình tuồng cổ. Ông Lê Phú Hải (68 tuổi, trưởng đoàn) là người đã có công gầy dựng, vực dậy nghề hát tuồng vốn đã bị mai một và đứng trước bờ vực thất truyền.

Diễn viên của đoàn có năm người. Họ đều sinh ra và lớn lên ở làng tuồng Nam Diêu trứ danh một thời. Những năm đầu thập niên 1980, tuồng xuống dốc.

Nhóm tuồng Nam Diêu tan rã, mạnh ai nấy tìm đường kiếm sống, ông Hải cũng phiêu dạt.

Rối đến giữa năm 2002, khi nghe địa phương có chủ trương đưa nghệ thuật tuồng vào biểu diễn phục vụ du khách, ông Hải tức tốc khăn gói từ Sài Gòn về quê sau cả chục năm bôn ba. Ông liên hệ với những người bạn diễn cũ như kép Nguyễn Xuân Giá, Nguyễn Văn Tú hay cô đào Ánh Hồng...

Người vợ của ông Hải, diễn viên Hồ Thị Ánh Hoa - cô đào đã thủ vai chính ở hầu hết các vở tuồng của đoàn Nam Diêu - cũng là người đồng cam cộng khổ với ông bao nhiêu năm để giữ di sản văn hóa này.

Trong gian nhà chật hẹp vốn là điểm lớp mẫu giáo thôn do cán bộ địa phương cấp ở tạm cho vợ chồng ông Hải tránh nắng che mưa, tài sản lớn nhất của đoàn tuồng Nam Diêu chỉ là dụng cụ sân khấu: dàn amply, loa thùng cũ kỹ; những bộ phục trang sờn vai, đứt chỉ; hay bộ ghế nhựa của một khán giả hâm mộ dành tặng năm nào...

Tất tần tật đồ dùng đều đơn sơ đến mức bình dị như chính những chủ nhân bao năm trời nặng lòng với nghề, kham khổ cùng đồng lương ba cọc ba đồng nhưng không thốt lên một lời ta thán.

Và cũng chính ở không gian mang hơi thở của tuồng ấy, ngày ngày vẫn vang vọng tiếng người lớn tập bộ (động tác vũ đạo - PV), thi thoảng tiếng con trẻ ngọng nghịu cất lời “ư, ử” (điệu thán, khó nhất trong bốn làn điệu).

Ông Hải chia sẻ: “Lứa diễn viên như bọn tôi đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời và rất cần những người trẻ tiếp nối. Chúng tôi hiện có được chín cháu trong làng có độ tuổi từ 11-17 theo học lớp hát tuồng.

Hơn nửa năm qua, ngoài học định kỳ vào tối thứ bảy ở phố cổ thì tranh thủ thời gian rảnh, các cháu lại sang nhà để được anh em trong đoàn thay phiên nhau kèm cặp”.

Ông Trần Đình Châu, phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao & du lịch TP Hội An, cho biết đoàn hát tuồng Nam Diêu giữ vai trò rất lớn trong việc quảng bá nghệ thuật tuồng ở phố cổ Hội An.

Để loại hình này không bị mai một, trung tâm đã phối hợp với đoàn hát mở lớp dạy tuồng miễn phí cho nhóm học sinh ở Nam Diêu.

Ông Châu cho biết cố giáo sư Hoàng Châu Ký (một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian) trước khi mất đã giao cho trung tâm số tiền 300 triệu đồng, từ đó số tiền này được xây dựng thành quỹ mang tên Hoàng Châu Ký và hiện nay lớp học đang hoạt động cũng từ nguồn quỹ này hỗ trợ.

THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên