16/01/2016 09:07 GMT+7

Đoàn Giỏi: “Xưa rồi mày ơi”

 TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Để hiểu hơn cái thời “xưa rồi mày ơi” của nhà văn Đoàn Giỏi, chúng tôi tìm về thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) quê ông...

Nhà văn Đoàn Giỏi - Ảnh tư liệu
Nhà văn Đoàn Giỏi - Ảnh tư liệu

Tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn Đoàn Giỏi hồi cuối tháng 5 năm ngoái, nhà thơ Hữu Thỉnh có chia sẻ câu chuyện đầy ấn tượng với tác giả Đất rừng phương Nam: “Có lần tôi hỏi Đoàn Giỏi phải hồi nhỏ ông có tên là công tử Đoàn không? Ổng cười bảo: Xưa rồi mày ơi, giờ nói chi chuyện đó!”.

Rồi nhà thơ Hữu Thỉnh kết: “Tôi vô cùng xúc động khi nhớ lại người con trai - Đoàn Giỏi - có quyền thừa kế một gia sản lớn, nhưng thật sự cuối đời ông là người không có nhà cửa... Với nhà văn Đoàn Giỏi thì điều đó có sao đâu khi ông coi của cải lớn nhất của mình là tác phẩm”.

Để hiểu hơn cái thời “xưa rồi mày ơi” của nhà văn Đoàn Giỏi, chúng tôi tìm về thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) quê ông...

Đất rừng phương Nam
 Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam

Đoàn “công tử”

Bà Đoàn Thị Tuyết - em ruột nhà văn Đoàn Giỏi - khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nói về gian nhà cổ kính, có tuổi đời cả trăm năm với mái ngói âm dương, cột kèo vững chãi, đượm màu nâu sẫm tự nhiên của các loài danh mộc: “Coi ngon lành vậy chứ hồi trước là... lẫm lúa của cha mẹ tôi”.

Rồi bà kể: “Hồi đó ông bà nội tôi là hội đồng, giàu có nhứt nhì xứ này. Không biết đất đai ông bà được bao nhiêu nhưng hễ con trai có vợ là được chia liền 100 mẫu (khoảng 120ha), còn con gái có chồng được hồi môn 60 mẫu (hơn 70ha). Với số đất đai được chia ấy, anh em chúng tôi không cần phải động tay động chân vẫn mặc sức thừa hưởng.

Anh năm Đoàn Giỏi (thật ra Đoàn Giỏi là con thứ tư, nhưng vì theo cách gọi của người miền Nam con đầu tiên là thứ hai nên ông rớt xuống thứ năm) còn có tên là Đoàn Văn Hòa.

Trên ảnh là một anh trai và hai chị gái, nhưng vì người anh trai Đoàn Văn Hai mất từ nhỏ nên anh năm được tấn lên hàng trai trưởng là “quyền huynh thế phụ”, có quyền lớn nhất trong nhà. Nhưng anh năm Đoàn Giỏi đã không an phận để thụ hưởng...”.

Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, Đoàn Giỏi sinh năm 1925, sau khi học xong bằng thành chung của Trường Collège de My Tho, nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho, Tiền Giang), ông lên Sài Gòn học hội họa tại Trường Mỹ thuật Gia Định.

Tham gia cách mạng năm 1945, đến năm 1947 làm trưởng công an phụ trách 10 xã của huyện Châu Thành, rồi phó trưởng Ty tuyên truyền Mỹ Tho, phó trưởng Ty thông tin tỉnh Rạch Giá. Trong chín năm đánh Pháp, Đoàn Giỏi từng là phó trưởng phòng văn nghệ Sở Thông tin Nam bộ. Đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc.

Một số cán bộ từng tham gia khởi nghĩa ở Tân Hiệp còn kể: Hồi toàn quốc kháng chiến, lợi dụng âm mưu củng cố tề làng của Pháp, Ủy ban kháng chiến đã vận động cha của Đoàn Giỏi là ông Đoàn Giang ra tham gia bộ máy chính quyền của Pháp.

Trong khi đó Đoàn Giỏi vẫn là ủy viên công an. Do vậy ít ai ngờ trong lúc nhà trên cha của Đoàn Giỏi tiếp tế làng và lính Tây, còn dãy nhà dưới trong phòng riêng của “công tử Đoàn” thì Ủy ban kháng chiến hành chánh Tân Hiệp đang họp. Cứ như vậy, nhiều lúc thành viên hai phía ra vô đụng mặt nhau côm cốp nhưng không ai để ý!

Nhà văn Đoàn Giỏi (hàng ngồi, thứ ba từ phải) bên người thân - Ảnh tư liệu gia đình do anh Đoàn Nhân cung cấp
Nhà văn Đoàn Giỏi (hàng ngồi, thứ ba từ phải) bên người thân - Ảnh tư liệu gia đình do anh Đoàn Nhân cung cấp

“Anh hai” Nam bộ

Bởi “số đào hoa” hay là quyền của những người đàn ông giàu sang, có địa vị thời trước mà ông Đoàn Giang - cha nhà văn Đoàn Giỏi - có tới ba người vợ, tổng số 18 người con. Trong đó mẹ Đoàn Giỏi là vợ cả. Với vị thế của ông, nếu muốn hưởng thụ thì không phải là chuyện khó, nhưng ông đã chọn cách dấn thân, nhập cuộc giành độc lập như bao người nông dân khác.

Đất đai, nhà ở “tòa ngang dãy dọc”, trong đó có cả khu đất hàng ngàn mét vuông, nơi đặt trụ sở UBND huyện Châu Thành hiện nay, thuộc sở hữu của cá nhân ông và nhiều người thân gia đình đã được ông vận động hiến cho Nhà nước.

Để rồi có lúc ông trở thành người “vô gia cư”, thường xuyên ở nhờ trụ sở cơ quan. Vì sự đánh đổi này mà trong văn giới vẫn lưu truyền câu đối được cho là của một người bạn thân thời học sinh của nhà văn Đoàn Giỏi: “Trung Quốc có Tào Ngu mà giỏi, Việt Nam có Đoàn Giỏi mà ngu”.

Người vợ đầu qua đời (năm 1969), Đoàn Giỏi chắp nối với người có cùng hoàn cảnh ở Hà Nội. Người vợ này có một cô con gái riêng, được ông thương yêu như con ruột. Trong khi con trai duy nhất của ông với vợ đầu là Đoàn Quang Viễn (đã mất) cũng có một con trai.

“Sau khi ông mất (1989), cả gia đình tôi vào Nam sinh sống. Nhưng việc làm ăn thất bại, có lúc tôi cùng mẹ ra Lâm Đồng trồng cà phê, rồi vô TP.HCM làm nhiều nghề để sống, bây giờ trở về quê hương Tân Hiệp làm công nhân may tại khu công nghiệp gần nhà” - cháu nội đích tôn Đoàn Quang Minh của nhà văn Đoàn Giỏi cho hay.

Anh Minh cho biết dù không có điều kiện học hành lên cao, nhưng truyền thống gia đình luôn là động lực để anh không ngừng vươn lên.

Trong ký ức của anh Đoàn Nhân, cháu gọi Đoàn Giỏi bằng bác ruột (cha của Đoàn Nhân là em thứ chín, cùng tập kết ra Bắc với Đoàn Giỏi) thì nhà văn của Đất rừng phương Nam là người rất chăm chỉ làm việc và yêu trẻ con.

“Những ngày nghỉ cuối tuần tôi thường qua khu nhà tập thể của bác Đoàn Giỏi ở phố Cổ Tân, gần Nhà hát lớn Hà Nội chơi với anh Đoàn Quang Viễn, con trai bác. Lần nào tới cũng thấy bác mang bên mình hai vật bất ly thân là bình toong rượu và chiếc điếu cày. Bác dùng nắp bình làm ly, trong lúc ngồi viết thi thoảng lại rót một nắp rượu ra nhấm. Thấy cháu sang chơi, bác hay vẫy lại cho quà bánh” - anh Đoàn Nhân kể.

Với nhà thơ Nguyễn Bá, 78 tuổi, nguyên cán bộ Hội Văn nghệ Tây Nam bộ (hiện sống ở Cần Thơ) thì tác giả Đất rừng phương Nam đã để lại trong ông những ấn tượng khó quên, khi ông ra Hà Nội làm việc với Hội Văn nghệ Việt Nam để in tập thơ Đất Viên An trước ngày giải phóng miền Nam.

“Anh Đoàn Giỏi là mẫu người mang đậm khí chất của anh hai Nam bộ: bộc trực, thẳng thắn mà cũng hết sức hào phóng, nhân nghĩa. Bởi vậy, cuốn tiểu thuyết Đất rừng phương Nam luôn thấm đẫm tình người, vừa có yếu tố tả thực vừa đan xen những huyền thoại, khiến ai từng sống ở đó càng thêm yêu quý vùng đất của mình, còn ai chưa đến thì luôn mong ước một lần tới thăm” - ông Nguyễn Bá nói.

Đất rừng phương Nam là tác phẩm được nhà văn Đoàn Giỏi viết theo đơn đặt hàng của Hội Văn nghệ Việt Nam, nhân thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng (1957). Tác phẩm viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé An và một số nhân vật đầy cá tính khác trong bối cảnh Pháp quay lại xâm chiếm Nam bộ (1945).

Ngoài một số chi tiết mang tính huyền thoại, tác phẩm được xem như bức tranh tả thực về cảnh vật, con người phương Nam của một thời đã xa. Năm 1997, tiểu thuyết này được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập mang tên Đất phương Nam bởi đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

Lần theo bước chân của cậu bé An, nhân vật chính trong Đất rừng phương Nam, với hi vọng tìm lại một chút gì để nhớ về thuở đất rừng phương Nam...

_______________

Kỳ tới: Người cũ, cảnh mới

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên