Quốc hội khóa XIII đã tiến hành giám sát tối cao về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự tại kỳ họp thứ 9 - Ảnh: TTXVN
Sáng nay 16-6, phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội liên quan vụ án Hồ Duy Hải diễn ra tại Nhà Quốc hội. Đây là phiên họp nội bộ, báo chí không được tham dự, đưa tin.
Tuy vậy, đây không phải là lần đầu tiên Ủy ban Tư pháp họp để đánh giá về vụ án này. Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, thực hiện giám sát về tình hình oan, sai, trong đó có nghiên cứu một số vụ án cụ thể để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm vụ Hồ Duy Hải.
Đoàn giám sát này đã có báo cáo số 870 ngày 20-5-2015 về kết quả giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật".
Trong báo cáo này, đoàn giám sát đánh giá về vụ Hồ Duy Hải như sau: "Đối với vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội 'giết người, cướp tài sản', trước thời điểm thi hành án tử hình thì có đơn của gia đình và luật sư kêu oan cho Hải.
Theo yêu cầu của Chủ tịch nước và yêu cầu của đoàn giám sát, liên ngành VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Công an đã tiến hành xem xét vụ án này và đến nay có kết luận cho rằng việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về các tội danh trên là 'có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án'.
Qua giám sát cho thấy việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm như quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này khi bị can khai ra là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được; chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường.
Kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai; động cơ, mục đích giết người nêu trong các kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án".
Qua đó, báo cáo số 870 của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội năm 2015 nhận định: "Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận