Một khu đất vườn rao bán ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi - Ảnh: Người rao bán cung cấp
Một số nguồn tin cho biết giá đất ở khu vực Củ Chi hiện nay tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2021.
Rần rần phân lô đất rẫy, đất ruộng
"Có 3 lý do. Đầu tiên vì thông tin huyện Củ Chi lên thành phố, hai là có tin đồn Tập đoàn Liên Thái Bình Dương sẽ đầu tư dự án Safari Củ Chi như một công viên giải trí Disneyland của Mỹ, ba là tin đồn về dự án đại lộ ven sông Sài Gòn chạy từ Củ Chi về trung tâm TP.HCM", một nhà môi giới bất động sản tên Minh chia sẻ.
Chúng tôi liên hệ với một địa chỉ rao bán đất tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) với giá 990 triệu đồng có 500m2 đất. Người này cho biết khu đất phân lô của họ có nhiều lô kích cỡ từ 500m2 đến 1.000m2. Đất giáp đường lớn của Nhà nước có giá 3-4 triệu đồng/m2, còn đất giáp đường nội bộ 4m tự mở thì giá khoảng 2 triệu đồng/m2.
Người rao bán đất cũng không giấu giếm rằng họ mua đất của dân rồi phân lô để bán lại. Theo pháp lý, các khu đất này là đất trồng cây hằng năm.
"Hiện nay thì huyện Củ Chi đang siết nên không thể lên thổ cư ngay được, đến khoảng tháng 6-2023 thì sẽ được lên thổ cư thoải mái. Bên em bao luôn việc làm giấy tờ đất và lên thổ cư cho khách", người rao bán giới thiệu.
Một khu vực khác ở xã Tân Thông Hội giới thiệu đất có địa chỉ một xuyệt ở đường Hồ Văn Tắng. Người bán giới thiệu "đất chính chủ", hiện đã đóng cọc phân lô, làm hàng rào, đào ao và trồng cây xoài, cây cau trên đất.
Khi khách hỏi đào ao làm gì: để mình về ở lập vườn, nuôi cá. Cô thành thật: tụi em mua đất lúa, rồi san lấp phân lô, đào ao, trồng cây trên đất.
Theo người rao bán thì: "Khu này lên thổ cư vô tư vì xung quanh dân cư khá đông đúc".
Còn ông Sơn, một người dân ở ấp Bàu Đưng (xã An Nhơn Tây) cho hay sau khi có thông tin Tập đoàn FLC tiếp xúc với lãnh đạo huyện để đề nghị đầu tư vào dự án Sài Gòn Safari và khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn xuất hiện các đầu nậu mua đất ruộng ở khu vực xung quanh với giá tăng gấp đôi.
"Họ mua đất ruộng nguyên thửa vài ngàn mét vuông. Đất ruộng giáp mặt đường hiện khoảng 2,5 triệu đồng/m2, trong khi trước đây chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/m2" - ông Sơn nói.
Khó tách thửa và chuyển mục đích
Cũng theo ông Minh, hai tuần qua, các loại đất rao bán "nóng" nhất vẫn là các loại đất nông nghiệp được đánh bóng thành khu biệt thự, dân cư vườn.
Thực tế, một số đầu nậu mua đất ruộng, đất rẫy của người dân tại chỗ giá rẻ, sau đó tự tách thửa thành nhiều lô nhỏ từ 500m2 đến 1.000m2 rồi bán lại.
Những con đường dẫn vào các khu đất nhà vườn đang rao bán - Ảnh: Người rao bán đất cung cấp
Chiêu của nhóm người này là giả vờ mua qua bán lại với nhau giá cao, giá hôm sau cao hơn hôm trước, tuần sau cao hơn tuần trước và tìm cách làm cho thông tin lan ra nhanh để mọi người xung quanh thấy giá đất tăng nhanh và tăng cao. Từ đó, thu hút những người mua đất nhẹ dạ.
Ông Minh cảnh báo: việc chuyển đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Củ Chi hiện nay rất khó. Người dân mua đất chỉ để trồng rau, trồng lúa, chứ khó chuyển thành đất ở. Vì vậy, mọi người cần tỉnh táo để tránh mua nhầm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Phạm Thị Thanh Hiền, chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết hiện nay, UBND huyện đang quản lý chặt việc tách thửa đất, tránh hình thành những khu phân lô.
"Từ sau khi hội nghị kêu gọi đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn vào tháng 3 thì nhiều người quan tâm đến đất đai ở Củ Chi, Hóc Môn hơn nên giá đất có xu hướng tăng.
Với các khu vực còn quỹ đất lớn thì UBND huyện không cho tách thửa để thu hút các dự án lớn. Bên cạnh đó, huyện cũng hạn chế giải quyết việc tách thửa đất nông nghiệp", bà Hiền thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận