Phóng to |
Phóng to |
Có mặt trên các tuyến quốc lộ 1A, 22 (An Sương đi Tây Ninh), 52 (xa lộ Hà Nội), 51 (đi Bà Rịa - Vũng Tàu)..., chúng tôi chứng kiến những chiếc xe kéo rơmoóc “ma” cõng từng núi hàng phóng ào ào trên đường, qua mặt cả lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
Thâm nhập các lò xe “ma”
Chiều 27-5, chúng tôi gặp chiếc xe kéo rơmoóc dài một cách bất thường lưu thông trên xa lộ Hà Nội. Thấy chiếc xe “khủng”, nhiều xe khác dạt sang một bên. Đến ngã tư Bình Thái, chiếc xe quay đầu về hướng Đồng Nai làm dồn ứ nhiều xe trên đường. Đến trước Trung tâm đăng kiểm 50-04V, chiếc xe de tới de lui bốn lần mới vào được bên trong.
Theo tài liệu, xe rơmoóc này đã hết hạn lưu hành từ tháng 10-2010. Trong đăng ký gốc, chiều dài xe 15m, rộng 2,8m. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, đăng kiểm viên cho biết chiều dài xe này nới lên 17,5m, rộng 3,3m. Biết gặp phải xe “độ” (đóng mới, không nguồn gốc), đăng kiểm viên từ chối kiểm định. “Xe độ dài như con khủng long ai mà dám kiểm. Ở đâu kiểm thì kiểm chứ ở đây chịu thua” - đăng kiểm viên nói.
Qua tìm hiểu, chiếc xe rơmoóc này xuất xứ từ “lò” của ông Đạo (Q.9). Đây là cơ sở chuyên đóng các loại rơmoóc “siêu khủng” sau đó tự đóng số khung, làm giả hồ sơ để mang đi đăng ký, đăng kiểm. Khách hàng của ông Đạo là chủ các đoàn xe chở hàng quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng. Cơ sở ông Đạo còn chế ra rơmoóc có khả năng kéo dài hoặc rút ngắn cho vừa kích cỡ lô hàng. Điều đáng nói, không ít chiếc rơmoóc “ma” này vẫn được cấp đăng ký và kiểm định an toàn kỹ thuật.
Một cơ sở khác cũng chuyên sản xuất xe rơmoóc “lụi” nằm trên xa lộ Hà Nội. Cơ sở này tự chế xe rơmoóc theo kích cỡ hàng hóa, rồi làm giả hồ sơ để đăng ký, đăng kiểm. Sau khi giấy tờ hoàn chỉnh, giá bán của mỗi chiếc rơmoóc “lụi” không dưới 700 triệu đồng.
Một số “lò” sản xuất rơmoóc “ma” ở Q.9, Thủ Đức... chỉ bán xe, không bao giấy tờ. Các doanh nghiệp vận tải mua xe “lụi” về dùng biển số và đăng ký của xe khác gắn vào để lưu hành. Chiều 28-5, chúng tôi gặp một chiếc xe rơmoóc chở dầm cầu bêtông trên xa lộ Hà Nội. Chúng tôi thắc mắc vì sao không có tem kiểm định, tài xế nháy mắt “rơmoóc lụi lấy đâu ra tem”. “Nếu gặp CSGT thì sao?”, tài xế cười: “Cứ chung đủ tuổi là qua hết”. “Chẳng may gặp tai nạn?”. Tài xế tỉnh rụi: “Trời kêu ai nấy dạ”.
Theo điều tra, “trùm” độ xe nát, xe hết đát thành xe biển đỏ (xe quân đội) dỏm là “lò” của ông Hòa ở Phan Thiết (Bình Thuận). Chiều 25-5, tại bãi xe của ông Hòa, chúng tôi thấy gần chục chiếc xe cũ nát, hết đát đang nằm chờ “lên đời”. Một nhóm thợ đang khẩn trương “tút” hai chiếc xe sơn màu nhà binh. Chỉ vào chiếc xe cẩu cũ nát, ông Hòa nói sau khi “độ” xong sẽ gắn biển đỏ để bán. Ông Hòa còn rao bán một chiếc xe đầu kéo biển đỏ dỏm có biển số KP 3454. Qua điều tra cho thấy nguồn gốc xe KP 3454 là xe dân sự đã hết hạn kiểm định từ tháng 2-2010, ông Hòa mua về sơn lại màu xanh ôliu rồi gắn biển số quân đội.
Mượn “hồn” cũ
Một trong những chiêu độ xe khá phổ biến hiện nay là mượn “hồn” (giấy tờ, biển số) xe cũ nát, hết đát, xe bị tai nạn giao thông (còn gọi xe “đời cô Lựu”)... rồi chồng vào xác xe đời mới để lưu hành trên đường.
Ngày 3-5, đội CSGT An Sương (TP.HCM) phát hiện xe du lịch hiệu Toyota Camry đời 1992, biển số 52N-0999 vi phạm Luật giao thông. Do tài xế không xuất trình được giấy tờ xe nên CSGT tạm giữ phương tiện. Qua xác minh, biển số xe 52N-0999 trước đây cấp cho xe Toyota đời 1980, đã hết hạn kiểm định từ tháng 10-2008. Tem kiểm định dán trên xe Toyota Camry là tem giả. Theo một đăng kiểm viên, nhiều khả năng chủ chiếc xe đã lấy biển số của xe Toyota đời cũ gắn vào xe Toyota Camry không rõ nguồn gốc và dùng tem kiểm định giả để lưu hành. Vụ việc đã được chuyển sang Cơ quan điều tra Công an Q.12 làm rõ.
Một đăng kiểm viên cho biết hiện ở TP.HCM có không dưới mười “lò” chuyên “độ” xe, hợp thức hóa xe lậu mua từ Campuchia. Thủ đoạn của các đối tượng này là mua xe cũ nát, quá đát, xe bị tai nạn giao thông không thể sửa chữa... về rã ra bán phế liệu, giữ lại số khung, số máy, biển số, giấy tờ xe. Sau đó các đối tượng sang Lào, Campuchia mua xe đời mới về gắn biển số thật, làm sổ giả, tem giả để lưu hành. Một số đường dây “độ” xe còn đục lại số khung, số máy, làm thủ tục sang tên, đăng ký mới, ra sổ kiểm định.
Một vụ “giải cứu” xe “ma”
Ông Trịnh Ngọc Giao (cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam): Xe “ma” tác hại rất lớn cho xã hội Quan điểm của ngành đăng kiểm là cương quyết loại bỏ những loại phương tiện không đảm bảo kỹ thuật nhằm hạn chế những tác hại cho xã hội, đặc biệt là về an toàn giao thông. Cục Đăng kiểm thường xuyên thông báo cho công an, ngành giao thông về tình trạng sử dụng các loại xe quá đát, xe hết hạn lưu hành, xe “độ”, xe “chế”... Các loại phương tiện này nếu không được bảo dưỡng, kiểm định thường xuyên sẽ không đảm bảo an toàn kỹ thuật, rất dễ gây tai nạn giao thông cho bản thân người điều khiển phương tiện và những người cùng tham gia giao thông. Đối với những trường hợp lách luật, qua mặt cơ quan đăng ký, đăng kiểm để hợp thức hóa hồ sơ, làm giả hồ sơ, sổ kiểm định, tem kiểm định, khi phát hiện chúng tôi sẽ thu toàn bộ giấy tờ liên quan, thông báo cho công an. Mới đây chúng tôi đã chuyển cho Cơ quan điều tra Công an TP.HCM một số trường hợp phát hiện sổ kiểm định giả, tem giả... |
Ngày 23-9-2010, chiếc xe mang biển số “lụi” này kéo theo rơmoóc “lụi” chở máy đào 60 tấn từ Phan Thiết đến Đồng Nai. Đến huyện Tân Phú (Đồng Nai), chiếc xe cẩu vướng vào đường dây điện nên bị CSGT Tân Phú dừng xe. Qua kiểm tra, CSGT phát hiện không có giấy tờ xe, lệnh công tác có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa nên tạm giữ phương tiện. Căn cứ kết quả xác minh, CSGT Tân Phú đã xử phạt xe đầu kéo về việc mang biển số “lụi” và giải tỏa xe, riêng rơmoóc thì tạm giữ, yêu cầu xuất trình giấy tờ gốc.
Để đối phó, ông Thịnh mượn giấy đăng ký, sổ kiểm định của một rơmoóc có biển số 51R-3043 trình cho công an. Sau đó ông Hòa nhanh chóng “giải cứu” chiếc rơmoóc “lụi” này. Theo ông Hòa, số tiền chi cho “phi vụ” trên là 27,5 triệu đồng, trong đó có tiền “bồi dưỡng” và thuê đóng số khung trên rơmoóc “ma” nhằm hợp thức hóa hồ sơ.
Chiều 26-5, đại úy Nguyễn Văn Linh, đội phó Đội CSGT Tân Phú, cho biết sau khi thu giữ sổ kiểm định, đăng ký rơmoóc 51R-3043, CSGT tiến hành kiểm tra số khung nhưng không thấy. Ông Linh nói: “Tôi có nghe xe này khá rắc rối (về nguồn gốc) nên làm chặt chẽ. Nếu không tìm ra số khung sẽ tịch thu. Tuy nhiên sau đó chủ xe thông báo đã tìm ra số khung. Chúng tôi có kiểm tra và thấy khớp với giấy tờ nên làm thủ tục giải tỏa xe”.
Chúng tôi đưa ra một số tài liệu, hình ảnh cho thấy chiếc xe bị tạm giữ tại Công an Tân Phú là loại rơmoóc lùn (chở thiết bị, máy móc), sơn màu vàng, không có nguồn gốc, số khung. Trong khi đó, giấy đăng ký biển số 51R-3043 (xe có nguồn gốc) cấp cho rơmoóc sàn (chở container), sơn màu xanh. Ngày 27-5, xe 51R-3043 đã được kiểm định lại tại Trung tâm đăng kiểm 50-04V.
Trong khi đó ông Linh cho rằng về kiểm định kỹ thuật, CSGT không nắm được vị trí số khung xe rơmoóc. Hỏi khi chủ xe báo đã tìm ra số khung (thực tế mới đục) CSGT có kiểm tra, đối chiếu với bản cà lưu trên sổ đăng kiểm, ông Linh nói có cử hai CSGT trực tiếp kiểm tra. Theo một đăng kiểm viên, qua đối chiếu số khung của hai rơmoóc dễ dàng nhận ra kỹ thuật, hình dạng các con số của rơmoóc “lụi” khá vụng về, không sâu, sắc nét, tròn đều như số thật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận