08/04/2019 16:57 GMT+7

Đờ tử cung- biến chứng nguy hiểm sau sinh

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Đờ tử cung xảy ra khi tử cung không thể co hồi sau khi sinh em bé, và có thể dẫn đến tình trạng băng huyết sau sinh.

Đờ tử cung- biến chứng nguy hiểm sau sinh - Ảnh 1.

Truyền máu để điều trị bệnh đờ tử cung. Ảnh: nih.gov

Đờ tử cung là một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra sau sinh. Đờ tử cung xảy ra khi tử cung không thể co hồi sau khi sinh em bé, và có thể dẫn đến tình trạng băng huyết sau sinh, có thể gây nguy hiểm hiểm đến tính mạng người mẹ.

Sau khi sinh, cơ tử cung thường thắt chặt hoặc co lại để bong rau. Sự co hồi này giúp siết chặt các mạch máu gắn với bánh rau và giúp ngăn chảy máu. Nếu cơ tử cung không co đủ mạnh, máu vẫn tiếp tục chảy tự do dẫn đến băng huyết, mất máu quá nhiều.

Sản phụ bị đờ tử cung cần điều trị cấp cứu ngay lập tức để ngăn chảy máu và thay thế lượng máu bị mất. Băng huyết sau sinh có thể khá nghiêm trọng thậm chí đe dọa tính mạng người mẹ. Tuy nhiên, phát hiện sớm và điều trị có thể giúp sản phụ hồi phục hoàn toàn.

Triệu chứng của đờ tử cung

Triệu chứng chính của đờ tử cung là tử cung không co hồi và mềm, nhão sau khi sinh. Đờ tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu sau sinh. Băng huyết sau sinh được định nghĩa là mất trên 500ml máu sau khi sổ nhau.

Triệu chứng bao gồm:

- Chảy máu âm đạo nhiều và không kiểm soát được sau khi sinh.

- Tụt huyết áp.

- Tăng nhịp tim.

- Đau tử cung, vùng bụng, vùng lưng.

Nguyên nhân

Có một số yếu tố khiến cơ tử cung không co hồi sau sinh bao gồm:

- Chuyển dạ kéo dài.

- Chuyển dạ nhanh.

- Tử cung căng dãn quá mức hoặc quá to.

- Sử dụng oxytocin hoặc những thuốc khác hoặc gây mê toàn thân trong quá trình chuyển dạ.

- Đẻ chỉ huy hoặc kích thích chuyển dạ nhanh.

Sản phụ có thể có nguy cơ cao bị đờ tử cung nếu:

- Sinh đa thai, ví dụ sinh đôi, sinh ba.

- Em bé của bạn lớn hơn kích thước trung bình của các em bé khác.

- Bạn trên 35 tuổi.

- Bạn bị béo phì.

- Bạn bị đa ối.

- Bạn đã sinh nở nhiều lần.

Tuy nhiên, đờ tử cung có thể xảy ra ở phụ nữ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.

Chẩn đoán

Đờ tử cung thường được chẩn đoán khi tử cung mềm, nhão và chảy máu nhiều sau khi sinh. Bác sĩ có thể ước lượng lượng máu mất bằng đếm số miếng lót đầy máu hoặc bằng cách cân số miếng lót.

Bác sĩ cũng sẽ khám lâm sàng và để loại trừ những nguyên nhân khác gây mất máu, ví dụ như rách cổ tử cung, rách âm đạo và không sót rau trong tử cung.

Bác sĩ cũng xét nghiệm hoặc theo dõi những dấu hiệu sau:

- Nhịp tim.

- Huyết áp.

- Số lượng hồng cầu.

- Yếu tố đông máu.

Biến chứng

Đờ tử cung gây ra hơn 90% số trường hợp chảy máu sau sinh. Chảy máu thường xảy ra sau khi sổ nhau.

Những biến chứng khác của đờ tử cung bao gồm:

- Hạ huyết áp tư thế, gây choáng hoặc chóng mặt do huyết áp thấp.

- Thiếu máu.

- Mệt mỏi hoặc li bì.

- Tăng nguy cơ chảy mảu sau sinh ở những lần snh nở sau.

- Thiếu máu và mệt sau sinh cũng làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh.

- Một biến chứng nguy hiểm khác của đờ tử cung là sốc mất máu. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm tính mạng và cần cấp cứu kịp thời.

Điều trị

Điều trị đờ tử cung nhằm mục đích dừng chảy máu và thay thế lượng máu bị mất. Sản phụ phải được truyền dịch, máu và chế phẩm máu càng sớm càng tốt.

Điều trị đờ tử cung bao gồm:

- Xoa đáy tử cung, bác sĩ đặt một tay ở âm đạo và đẩy tử cung lên trên trong khi tay kia đè vào đáy tử cung qua thành bụng và xoa bóp.

- Sử dụng thuốc co hồi tử cung bao gồm oxytocin, methylergonovine, prostaglandi.

- Truyền máu, dịch và các chế phẩm của máu.

Trong trường hợp nặng, điều trị bao gồm:

- Phẫu thuật kẹp mạch máu tử cung gây chảy máu.

- Gây tắc động mạch tử cung, bao gồm việc đưa các mảnh nhỏ vào động mạch tử cung để ngăn máu đến tử cung.

- Cắt tử cung nếu các phương pháp trên không có tác dụng.

Tiên lượng

Nguy cơ một người phụ nữ tử vong do đờ tử cung sẽ tăng lên khi sản phụ không được điều trị cấp cứu kịp thời hoặc khi có sự chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị. Nếu được điều trị kịp thời, đờ tử cung rất ít khi gây ra biến chứng.

Phòng ngừa

Không phải mọi trường hợp đờ tử cung đều có thể phòng ngừa được. Do vậy, điều quan trọng là bác sĩ chú ý kiểm soát vấn đề này ở mọi giai đoạn chuyển dạ. Nếu bạn có nguy cơ đờ tử cung cao, bạn nên sinh con tại bệnh viện hoặc những trung tâm có đầy đủ trang thiết bị để dự phòng tình trạng mất máu.

Tại các bệnh viện chuyên khoa sản, bác sĩ sẽ theo dõi liên tục dấu hiệu sinh tồn của bạn và lượng máu chảy ra ngay sau sinh để phát hiện tình trạng băng huyết. Trong trường hợp cần thiết, oxytocin được tiêm ngay sau khi sinh để giúp tử cung co hồi. Xoa bóp tử cung ngay sau sinh cũng giảm nguy cơ đờ tử cung và nên thực hiện thường xuyên.

Uống vitamin trước sinh, bao gồm bổ sung sắt, cũng giúp chống thiếu máu và những biến chứng khác của đờ tử cung và băng huyết.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên