Đó là những hình ảnh Tuổi Trẻ ghi nhận từ phản ánh của bạn đọc về thực tế tại các huyện Yên Mỹ, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên).
Những bao chất thải nặng mùi
Cạnh đường đi vào thôn Trung Đạo (xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ) là ao cá thuộc đất công ích của xã cho cá nhân thuê nuôi thủy sản. Những người lạ mặt đã lấp hơn một nửa diện tích chỉ trong vài ngày. Chất thải đổ trộm đến đâu đất bùn lấp đến đó. Có nhiều bao tải cỡ lớn, màu đen kịt và bốc hơi, sủi bọt khi có nước tràn vào.
Vài tuần sau vụ đổ trộm, chất thải vẫn có mùi rất khó chịu, sủi bọt một góc ao. Cách nơi đổ trộm những bao tải chứa chất thải này khoảng vài chục mét là trạm bơm thôn Trung Đạo, nơi phục vụ nước tưới tiêu cho cánh đồng xã Trung Hưng.
"Mùi rất khó chịu. Tôi đưa cháu qua con đường này hằng ngày nhưng đều phải bịt chặt mũi…", ông Phạm Văn Phúc (xã Trung Hưng) nói.
Tại thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm) cả trăm bao tải chất thải cũng đã bị đổ thẳng ra bãi đất trống cạnh các nhà máy. Sau vài ngày, bèo tây, cỏ dại ở đây chết khô giữa đám chất thải bốc mùi nồng nặc.
Theo người dân thôn Bông Mai, trong suốt nhiều ngày hai chiếc xe tải không biển số tấp nập ra vào bãi đất trống để đổ trộm chất thải.
"Sự việc đã được báo lên chính quyền địa phương. Không biết nó là chất thải gì nhưng đổ nước vào vẫn lên khói, mùi nồng nặc như thuốc trừ sâu, không thể chịu được…", ông Thìn (xã Chỉ Đạo) nói.
Ở xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm) và xã Minh Đức (thị xã Mỹ Hào) cũng xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải dạng bột khô và nước đen đặc như dầu thải, bốc mùi khó chịu.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Chuyển - chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo - cho biết sau khi phát hiện vụ đổ trộm chất thải ở thôn Đông Mai, Công an huyện Văn Lâm đã vào cuộc điều tra. Theo ông Chuyển, bước đầu cơ quan chức năng đã phát hiện hai xe ô tô tham gia đổ trộm chất thải.
Ông Trần Đăng Anh - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên - cho biết trước mắt đơn vị này đã cô lập nơi bị đổ trộm chất thải ở xã Trung Hưng.
"Sở sẽ tiếp tục lấy mẫu nước cạnh nơi đổ trộm chất thải để đánh giá mức độ ảnh hưởng ra môi trường. Cơ quan công an đã lấy lời khai những người liên quan. Nếu những chất thải này từ địa phương khác mang đến Hưng Yên đổ trộm, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị tới địa phương có liên quan để xử lý nghiêm", ông Anh nói.
Ông Anh cho hay đối với những khu vực bạn đọc (thông qua Tuổi Trẻ) đã cung cấp thông tin về tình trạng đổ trộm chất thải, đơn vị này sẽ có công văn đề nghị UBND huyện Văn Lâm, UBND thị xã Mỹ Hào vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý.
Ông Phạm Văn Sơn - giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) - cho rằng chất thải chôn lấp sẽ còn tồn dư rất lâu trong đất, âm thầm nhả chậm vào nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chất thải chôn xuống đất có thể đầu độc nhiều đời sau.
Theo ông Sơn, Nhà nước cần thắt chặt việc bàn giao đất. Không chỉ căn cứ vào sổ đỏ, sổ hồng theo quy định hiện hành mà phải bàn giao cả chất lượng môi trường bên dưới mặt đất. Việc này nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân khi bàn giao lại hoặc chuyển nhượng cũng phải đảm bảo phần đất đó không bị ô nhiễm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận