|
|
Bà Nguyễn Thanh Hảo cho biết đã nhiều lần phản ảnh lên cơ quan chức năng nhưng hiện tình trạng tiếng ồn vẫn chưa được giải quyết - Ảnh: Tiến Long |
Cách đây gần hai năm, nhà kế bên nhà tôi (số 484 Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3, TP.HCM) mở nhà hàng bánh có các thiết bị sản xuất gây tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình tôi.
Chúng tôi đã có đơn phản ảnh đến UBND phường, quận. Nhiều lần bên môi trường Q.3 và P.14 có đến xem xét và đo tiếng ồn nhưng tôi không được biết kết quả, chỉ biết là họ đề nghị phía nhà hàng khắc phục.
Chúng tôi cũng cố gắng hợp tác và giới thiệu các cách tránh gây tiếng ồn, đại diện nhà hàng có tiếp thu và hứa sửa chữa, nhưng tiếng ồn vẫn không giảm.
Sau nhiều lần chúng tôi tiếp tục làm đơn phản ảnh, đến ngày 25-3-2014, đại diện môi trường Q.3 và P.14 đến nhà tôi cùng với một người đem dụng cụ để đo tiếng ồn.
Tôi thấy cách đo của họ quá sơ sài, chỉ quơ máy qua vài điểm rồi làm biên bản, nên không tin cậy vào kết quả và không đồng ý ký vào biên bản. Sau này, tôi được biết kết quả đo lần này là tiếng ồn nằm trong quy định cho phép.
Chúng tôi có nhờ khoa môi trường thuộc một trường đại học ở TP.HCM đến đo lại để đối chiếu kết quả với lần đo của phường thực hiện.
Kết quả sau một giờ đo cho thấy tiếng ồn vượt mức cho phép của quy định pháp luật. Chúng tôi tiếp tục viết đơn phản ảnh đến phường và quận, kèm theo số liệu đo của khoa môi trường.
Sau đó, đại diện chính quyền có tổ chức kiểm tra lại việc ô nhiễm tiếng ồn này với đơn vị họ đã mời trước đó, đồng thời họ cũng đồng ý phối hợp với khoa môi trường của trường đại học mà tôi đã nhờ đo để cùng kiểm tra.
Hôm ấy là ngày 25-6-2014, mọi người tham gia, kể cả đại diện nhà hàng, đều thống nhất sẽ tạm đo trong một giờ để lấy số liệu ban đầu. Riêng bên khoa môi trường cho biết họ sẽ để lại máy đo tiếp cho đến ngày hôm sau vì cần đo cả ngày để có số liệu chính xác.
Tuy nhiên, chỉ sau 35 phút đo, đại diện Q.3 và P.14 cùng đại diện nhà hàng đã đề nghị lập biên bản vì cho rằng đủ rồi.
Chúng tôi rất bất bình vì như vậy là đã vi phạm thỏa thuận ban đầu. Sau đó, tôi biết rằng kết quả đo của nơi mà phường mời vẫn là tiếng ồn trong mức cho phép.
Còn theo kết quả đo của khoa môi trường hôm 25 và 26-6 thì độ ồn đo trong một ngày tối đa là 112dB, trung bình là 107,6 dB. Số liệu đo trong một giờ cũng cho kết quả tương tự: độ ồn tối đa là 111,9dB, trung bình là 110,3dB.
Nhận xét của khoa môi trường là độ ồn này đã vượt tiêu chuẩn cho phép (trong khu dân cư là từ 50-70 dB). Với tiếng ồn quá mức như vậy, rõ ràng rất ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đặc biệt với chúng tôi - hai vợ chồng nhà giáo đã trên 70 tuổi.
Chúng tôi đã trình bày rất tha thiết với đại diện chính quyền về nỗi khổ của mình, họ cũng đã giúp chúng tôi tìm cơ quan để đo tiếng ồn, nhưng sao kết quả đo của hai nơi lại có sự chênh lệch như vậy? Bây giờ làm sao để chúng tôi thoát khỏi nỗi khổ này?
Cần mời đơn vị có chức năng đo tiếng ồn Liên quan đến khiếu nại của bà Hảo, ông Lê Văn Sang, phó chủ tịch UBND P.14, Q.3 (TP.HCM) cho biết: UBND P.14 đã mời các bên liên quan (bà Hảo, chủ nhà 484 Lê Văn Sỹ và bên thuê nhà) đến làm việc. Tại buổi làm việc này, bà Hảo yêu cầu nhà số 484 Lê Văn Sỹ phải xây một bức tường trên sân thượng để ngăn tiếng ồn, chủ nhà 484 đã chấp nhận yêu cầu này. Sau khi có bức tường, bà Hảo tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến UBND phường cho rằng vẫn còn tiếng ồn lớn. Phòng Tài nguyên - môi trường Q.3 đã mời một đơn vị có chức năng đo tiếng ồn (một viện thuộc một trường đại học ở TP.HCM - PV) kiểm tra, đo độ ồn ba lần. Lần gần nhất vào cuối tháng 6-2014 cho ra kết quả là 61,3 dbA, nằm trong biên độ cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Thời điểm đoàn đo đạc đến nhà bà Hảo kiểm tra tiếng ồn thì phía nhà 484 Lê Văn Sỹ không biết và bà Hảo cũng xác nhận tại thời điểm đo đạc, tiếng ồn của nhà 484 như mọi ngày bình thường. Ông Sang cũng cho biết sau đó bà Hảo tiếp tục gửi đơn kiến nghị cho rằng việc đo đạc của đơn vị này không chính xác và có cung cấp một biên bản bàn giao kết quả đo độ ồn của khoa môi trường một trường đại học để yêu cầu UBND phường xử lý. Tuy nhiên, biên bản do bà Hảo cung cấp không có dấu mộc của đơn vị đo đạc có chức năng nên không có giá trị pháp lý, do đó UBND phường không thể dùng biên bản này làm cơ sở xử lý vụ việc. Nếu bà Hảo không đồng ý với kết quả đo tiếng ồn của đơn vị mà phường đã mời thì có thể mời một đơn vị có chức năng để đo tiếng ồn và cung cấp cho UBND phường bảng phân tích kết quả có cơ sở pháp lý, từ đó UBND phường mới có cơ sở để xử lý. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, người dân có thể mời các đơn vị có chức năng đo tiếng ồn như: Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường (56 Trương Quốc Dung, P.10, Q.Phú Nhuận), Công ty cổ phần dịch vụ công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (79 Trương Định, P.Bến Thành, Q.1), Phân viện Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường miền Nam (124-126 Lê Lai, P.Bến Nghé, Q.1)... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận