TTCT - Thành phố lấn át nông thôn, nhà máy chiếm chỗ của rừng cây và đồng ruộng, con người cướp đoạt của thiên nhiên. Bao nhiêu giá trị đẹp đẽ đã bị tuyên án tử hình bởi cuộc đô thị hóa không biết bao giờ mới dừng lại? Thành phố trở thành nơi giam hãm linh hồn, tranh của Pankaj Kumar Chouhan, Ấn Độ. Ảnh: mojarto.comThoạt tiên là những cuộc đào tẩu nho nhỏ. Cuối tuần về thăm ông bà ở quê cách thủ đô có 60km, liên hoan sinh nhật anh bạn vàng có trang trại trên Sóc Sơn, đi dạo đường rừng như đã hàng trăm năm chưa từng, dạy trẻ con cách phân biệt mấy loại cây cối mà chính bố mẹ cũng chỉ nhớ lờ mờ từ ngày còn ra đồng chăn trâu... Nhân tiện dạy con chó cách tha cành củi về cho chủ mà ở chốn đô thị chật hẹp không đủ chỗ cho nó chạy nhanh lấy nửa phút.Nhận thức từ miền vô thức là ta đang đi tìm cách cứu rỗi cho cuộc sống đô thị ngày càng đè nén, bóp nát tâm hồn. Mới ngày nào đô thị còn là cứu cánh, hôm nay đã biến thành phương tiện lúc nào không biết. Lúc bố mẹ bán trâu bán bò cho ta vào đại học thì đã ngấm ngầm gạt nước mắt chia tay đứa con, vì biết nó sẽ chẳng bao giờ trở về lội ruộng phèn lầm lũi. Cổ cồn vốn không hợp với lá bèo hoa dâu dính ở kẽ chân.Tốc độ đô thị hóa ngạt thở sẽ đưa xã hội này đến chỗ chỉ còn dân thị thành. Dĩ nhiên không phải ai cũng đóng cổ cồn, song kể cả bán vé số hay chạy honda đưa pizza cũng có một “hào quang” nho nhỏ, khả dĩ khiến người ta dễ quên nơi rừng xanh núi đỏ. Đất này còn tụt hậu so với nhiều xứ khác, nhưng xu hướng là không tránh khỏi: tam nông dần dần không còn giá trị của hôm nay!Nước Đức - chỉ nêu ra để so sánh vì có dân số và diện tích tương đương Việt Nam, dù rất khập khiễng - hôm nay chỉ còn 3% nông dân, và nếu bỏ qua lực lượng nông nghiệp gián tiếp (lái máy kéo, thợ cơ khí, sản xuất phân bón...) thì chỉ còn 1,2% trực tiếp vắt đất ra lương thực nuôi đủ ngót 99% xã hội còn lại.Rồi đến một ngày xấu trời, miền đất hứa đã nuốt trọn lời hứa. Mỗi sáng chờ 10 phút mới vào được thang máy để tụt xuống hầm lấy xe máy đi làm, sau đó nhăn nhó hòa mình vào dòng lũ kim loại và nhựa và bêtông nhả khói bẩn tưởi kinh hoàng mà không khẩu trang có than hoạt tính nào cản nổi.Đoạn đường ngày xưa đi xe đạp đến cơ quan mất nửa tiếng, nay chiếc Honda đòi 45 phút, chưa kể đến vài triệu tế bào thần kinh vĩnh viễn ra đi vì cáu bẳn, quẹt xe, bị nhổ trúng nước bọt của đứa đi trước, lãnh trọn vỏ chuối ném ra từ con Mẹc láng coóng (mà cũng lạ: chỉ có xế sang mới hay ném rác ra đường!?), hoặc bị một thanh niên choai choai phía sau vừa chửi vừa quát: “Lão già này, muốn chết à!”.Nhà chức trách, hình như chưa bắt đầu, song nếu đã thì cũng đồng thời từ bỏ ý định triển khai luật giao thông đường bộ cho đúng nghĩa. Không ai cần biết người nào đi trước đi sau, nhường đường cho xe cứu thương, phanh lại cho xe bên phải hay thậm chí nhìn đèn đỏ. Ai nấy liếc thoáng xung quanh rồi quyết định cướp đường hay cắn răng nhường đường, chẳng hạn vì đối thủ nặng 7 tấn và tên là xe buýt hung thần. Cái đèn đỏ đếm ngược cũng hầu như không còn tác dụng, vì chớm số 9 màu đỏ là sau lưng đã toe toe còi giục giã, không vọt nhanh thì bung biển số hậu. Phần lớn đó là xe biển xanh. Thậm chí là xe biển ngoại giao - vì đôi khi họ đến từ những quốc gia có luật lệ nghiêm hơn mình, song lại buộc phải thuê anh tài xế bản xứ với hình dung là mình cũng oai phong như ông chủ ngồi ghế sau và có quyền miễn trừ. Thế nhưng, người đi xe máy mà mai bước lên ôtô thì cuộc chiến sẽ xoay chiều: bọn đi xe máy lại là thủ phạm chính khiến cho 35 người bỏ mạng trên đường mỗi ngày.Khi các kiến trúc sư trưởng đô thị (à, ở ta có chức danh ấy không nhỉ?) quy hoạch vài thảm xanh thì họ định làm không khí tù hãm của thành phố dễ chịu hơn. Để người thành phố không chỉ phải giương mắt ngắm bêtông và nhôm kính, mà còn được xem ngọn cỏ ngoi lên lơ thơ vàng vọt. Nhớ lại hàng tre, vườn dừa hay cánh rừng ở quê thì sẽ cay đắng nhận ra rằng công viên thành phố so với ký ức ấy sẽ không khác đọc Trần Khánh Dư mần tình với Thụy Thiên công chúa, vì nó không phải là nhục cảm đắm say với người mình yêu thương và tin cẩn.Thằng cu cháu tôi đi học ở một trường đắt tiền. Nó vẫn tin rằng sữa không chảy ra từ vú bò, mà từ cái hộp bìa vuông vuông trong siêu thị gần nhà. Tôi nhòm vào sách giáo khoa ngoại khóa của nó, thấy dạy cả cách phân biệt các dấu chân nai, sói, chuột... Nhưng tôi biết nó còn lâu mới có điều kiện thực hành, các kiến thức ấy sẽ mãi mãi chỉ là mực đen trên giấy trắng, thứ giấy làm từ cây rừng đang bị cha anh nó đốn trụi. Mẹ nó thì cười khẩy: “Bác chỉ cho nó cách tránh giẫm phải cứt chó ngoài vỉa hè thì hơn!”. Đô thị không phải nơi nuôi gia súc đúng chức năng, nói chính xác là không đúng với cả con người.Tôi biết những luận cứ của người thành phố, vì chính tôi cũng từng đút sẵn trong túi để có cớ phản biện: “Khi nào cần mua gì, có thể ra ngay siêu thị đầu phố. Thậm chí có cả cửa hàng mở 24 giờ”. Thực ra lý do đó chỉ đúng cho mấy người nát rượu hay nghiện thuốc lá, chứ mấy ai ra cửa hàng lúc 2h sáng chỉ vì quên mua nước mắm?Tôi thì không! “Nếu tự dưng thích đi xem phim là đi thôi!”. Chưa hề. Lần cuối tôi đi xem phim đã cách đây sáu tuần, cũng không ngẫu hứng, và cũng chỉ sau một bữa ăn tối phủ phê vì những món ăn tinh thần được dọn trên màn ảnh quả là khó nuốt. “Nhưng nếu định bất ngờ đến thăm ai đó là đi được ngay!”. Vâng, cắn rơm cắn cỏ lạy hồn, cho tôi xin, cái mà người thành phố bận bịu sợ nhất lại là các cuộc thăm viếng không báo trước, đã thế lại còn dềnh dàng những chuyện vô bổ, thậm chí có ông người quen ở quê đem con lên ngủ nhờ để tuần sau thi đại học - mà không thèm hỏi trước xem nhà tôi còn cái giường nào trống hay không...Không phải là chú nai đang băng qua đường, chính con đường đã xâm phạm vào cánh rừng của chú. Ảnh: cnbc.comNgười nhà quê trong tôi thấy thiếu vắng đau đớn nền đất mát lạnh dưới chân, cho dù gạch men chạy điều hòa cũng không dở, tuy tốn kém. Cây cối chốn đô thị bị bó kín gạch và nhựa đường, thi thoảng gồng mình lên làm nứt nẻ mặt đường và vấp chân mấy cô đi giày gót cao. Đêm đến, người cựu nông dân không thấy trăng sao, và cùng với hiện tượng ấy là cảm giác kính sợ vũ trụ bao la cũng mất theo. Vì ta nghĩ: chính ta là các vì sao, đèn cao áp của ta sáng hơn mọi mặt trăng! Con người thế kỷ 21 vẫn ngơ ngẩn thế sao?Những khẩu hiệu kiểu “chinh phục thiên nhiên” có lẽ sinh ra từ ngòi bút thi sĩ thành phố, chứ người dân quê biết chắc từ ngàn đời là lũ lụt sẽ tìm ra đường riêng của nó, kệ cho con người bỏ công đắp ngàn cây số đê điều. Chỉ khi về quê ta mới có dịp ngắm trời sao theo đúng nghĩa của nó, chứ không chỉ bó trong khung giếng trời hai thước vuông trong nhà chung cư, đã thế còn bị nhiễu loạn bởi mấy đồ lót phơi phóng bừa bãi và ánh chớp giật từ vũ trường ồn ã cạnh nhà.Kiệt quệ vì làm việc không còn là chuyện chỉ ở nước Nhật. (Nguồn ảnh:Pinterest)Tình cờ tôi đang đọc một cuốn sách về chứng “Burnout” ở Nhật, nói về sự kiệt quệ tinh thần lẫn thể xác trước áp lực công việc. Xã hội công nghiệp hóa cao độ với các khủng hoảng chu kỳ đang ăn thịt những đứa con của nó - thật hợp với 200 năm ngày sinh của cụ Karl Marx tiên tri. Nhưng cụ Marx chắc chắn không đoán ra chứng “Burnout” cũng có thể đến từ cuộc sống gấp gáp hổn hển chốn thị thành. Cụ cũng khó mường tượng là nhiều tội phạm xảy ra không chỉ tại thủ phạm đói ăn hay cùng đường, mà đơn giản chỉ phát rồ vì không chịu nổi cuộc sống thành phố và lâu năm chưa được phóng mắt đến chân trời. Chúng cắn xé đồng loại như những con chuột bạch trong lồng thí nghiệm chật chội vì không có chỗ cựa mình. Tại sao nhiều người mắc bệnh đường hô hấp và cả bệnh tâm thần, khi về quê khỏe ra, chỉ vì ở đó họ được hít đầy phổi một không khí xanh, được là chính họ chứ không phải gò mình vào cái khuôn xã hội với những luật chơi tàn bạo? Ôi người thành phố với hai lọ thuốc kè kè bên cạnh, cộng thêm một chục loại thực phẩm dưỡng sinh và địa chỉ của ba bác sĩ khác nhau.Tôi về quê sống đây. ■ Tags: Ô nhiễmNông thônTự sátLàng quêCuộc sống thành phốĐô thị ngột ngạtHội chứng BurnoutKiệt sức vì việc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.