Phóng to |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội trường chiều 4-6 - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bà Tâm cho rằng cả hai phương án về chính quyền địa phương đưa ra trong dự thảo đều không ổn, chưa thể hiện được tinh thần đẩy mạnh phân cấp giữa chính quyền trung ương và địa phương như trong các nghị quyết của Đảng, chưa đổi mới để giải quyết được những vấn đề bất cập của mô hình chính quyền ở địa phương hiện nay.
Hiến định mô hình chính quyền địa phương
Trong ngày thảo luận thứ hai tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có 44 đại biểu Quốc hội của 34 tỉnh, TP phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào: Lời nói đầu của Hiến pháp; tên nước; quốc ca; chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế; vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ Tổ quốc; nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, chính quyền địa phương, hội đồng bầu cử quốc gia, hội đồng Hiến pháp... |
“Nhất thiết chính quyền địa phương phải được hiến định, song nếu theo phương án 1 thì lại do luật định, còn theo phương án 2 thì lại như Hiến pháp hiện hành, không có gì mới” - bà Tâm nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Tâm, nếu giữ như Hiến pháp hiện hành thì không phù hợp với thực tiễn, do tính chất quy mô của các đơn vị hành chính đô thị và nông thôn có nhiều đặc điểm khác nhau căn bản, có những yêu cầu rất khác nhau trong quản lý nhà nước và việc thành lập các cấp chính quyền cũng không thể như nhau.
Ở những đô thị lớn không nhất thiết phải có nhiều cấp chính quyền vì tính chất đô thị hóa rất cao, tính liên thông là phổ biến, do vậy giảm các cấp chính quyền là giảm biên chế, tăng trách nhiệm của cán bộ công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền.
Từ phân tích trên đây, đại biểu Tâm đề nghị trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tổng kết chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và mô hình chính quyền ở địa phương hiện nay, để xác định rõ mô hình chính quyền địa phương là như thế nào và phải được hiến định trong sửa đổi Hiến pháp lần này.
“Thực tế sau hơn ba năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở TP.HCM, có thể đánh giá mô hình thí điểm này đã thành công, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tình hình kinh tế - xã hội phát triển lành mạnh, vai trò, năng lực hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, trong đó có vai trò của HĐND TP được nâng lên, những kênh để lắng nghe ý kiến của nhân dân được tăng cường. Các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền của TP tập trung giải quyết những vấn đề mà nhân dân đặt ra, những vấn đề mà nhân dân kiến nghị và yêu cầu ngày càng có hiệu quả hơn, tính đồng thuận xã hội được nâng cao” - bà Tâm nói.
Bà Tâm cho rằng phải hiến định chính quyền địa phương với các nội dung cơ bản sau: một là cơ chế lập chính quyền địa phương;
hai là địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương theo hướng chuyên nghiệp, thực quyền, không chồng chéo, trùng lắp về chức năng nhiệm vụ như hiện nay...
Hợp pháp thì không hợp lý...
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng mô hình tổ chức chính quyền địa phương là một vấn đề cốt yếu của Hiến pháp bất kỳ quốc gia nào, mô hình này của nước ta đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới.
“Hàng chục năm nay chúng ta chưa xây dựng được một mô hình nào mới mang tính chất bứt phá đi trước. Trong khi đó 20 năm qua chúng ta gần như lãng quên loại hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được hiến định từ năm 1992” - bà Nga nói.
Theo bà Nga, từ thực tế do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng, nhất là các tỉnh thành có vị trí trung tâm và động lực về kinh tế, chính trị, văn hóa nên các đơn vị này đã đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Bằng nhiều cách họ đã đề nghị trung ương cho những chính sách riêng để “cởi trói” cho hành lang pháp lý chung chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của mình.
Bên cạnh đó một số địa phương lại tự mình đưa ra những quy định xé rào nhằm đáp ứng yêu cầu bức bách về quản lý của mình, và họ bị rơi vào tình trạng hợp pháp thì không hợp lý, hợp lý thì không hợp pháp.
Những tranh luận sôi nổi về các trường hợp xé rào của một số địa phương vừa qua không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn liên quan cả đến trách nhiệm pháp lý của người ra quyết định, như tình trạng xé rào trong ưu đãi đầu tư doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của 32 tỉnh từ năm 2001-2005, việc ưu đãi vượt khung thuế đối với Samsung của tỉnh Bắc Ninh gần đây, việc hạn chế nhập cư của Đà Nẵng, việc từ chối tuyển dụng đại học tại chức vào các cơ quan công quyền ở Nam Định, Quảng Nam, Đà Nẵng...
Bà Nga nhấn mạnh: “Rõ ràng về mặt pháp lý, Quốc hội không nên để tiếp tục tồn tại tình trạng này vì không đảm bảo tính pháp chế, tính minh bạch, công bằng và làm hạn chế phát triển chung của cả quốc gia. Thực tế các đô thị đều giữ vai trò hạt nhân đầu tàu và có tác động lan tỏa đến từng khu vực, từng vùng, qua đó tác động đến toàn quốc. Do đó, đây là thời điểm hợp lý nhất để chúng ta ghi nhận trong Hiến pháp về nguyên tắc có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Đồng thời cũng cần mạnh dạn giao cho Chính phủ nghiên cứu mô hình, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để một số địa phương có điều kiện thuận lợi có thể bứt phá phát triển nhanh đi trước”.
Chức vụ càng cao, phạm vi bảo vệ bí mật đời tư phải thu hẹp
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN - bày tỏ băn khoăn khi thấy dự thảo chỉ dành 56 từ cho lịch sử hàng nghìn năm, còn dành đến 275 từ cho lịch sử từ năm 1930 đến nay. Ông Nghĩa đặt vấn đề: “Liệu chúng ta có thiếu khiêm tốn không, hay e ngại điều gì mà trong 56 từ ấy, bên cạnh 45 từ ca ngợi nhân dân, không có một lời nào về công lao dựng và giữ nước của các triều vua của VN, từ vua Hùng đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn?”.
Về quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân trong dự thảo, ông Nghĩa đề nghị bổ sung và chỉnh lại như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật ở mức độ và thời gian cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.
Ông Nghĩa cũng đề nghị ghi đúng và đủ như trong các công ước quốc tế để thể hiện địa vị pháp lý của các quyền này: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội, quyền tự do biểu tình”, không cần thêm cái đuôi “theo quy định của pháp luật”.
Cho rằng công ước quốc tế và pháp luật nhiều nước cũng chỉ bảo vệ đời sống riêng tư, không bảo vệ bí mật cá nhân và bí mật gia đình, ông Nghĩa nói nếu mở rộng như dự thảo luật là “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” thì sẽ không thi hành được Luật phòng chống tham nhũng, Luật chống rửa tiền hay quy định về kê khai tài sản. Ngay cả bí mật đời tư, càng là người chức vụ cao trong chính quyền hay người của công chúng thì phạm vi bảo vệ càng hẹp.
Cuối cùng, ông Nghĩa đề xuất nếu thấy cần phải có thêm thời gian, vì còn quá nhiều vấn đề chưa thật sự nghiên cứu kỹ và nhất trí, đồng thuận cao thì chưa nên thông qua Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp 6 (cuối năm 2013), mà nên để sang kỳ họp tới trong năm 2014. “Việc hệ trọng không nên quá gấp gáp” - ông Nghĩa nói.
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai): Nên sửa lời quốc ca Quốc ca có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ như chúng ta sẽ sửa nội dung lời “đường vinh quang xây xác quân thù” bằng nội dung khác. Vì vậy dự thảo nên quy định: “Quốc ca nước CHXHCN VN dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao”. Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai): Cẩn trọng để có bản Hiến pháp xứng tầm Một quá trình thảo luận đầy đủ hơn để đi đến kết luận là tiếp tục sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hay xây dựng một Hiến pháp mới sẽ được triển khai, kế thừa những gì mà chúng ta đã chuẩn bị và thực thi phải chăng là câu hỏi được đặt ra với thời điểm này? Một sự thận trọng và chấp nhận kéo dài thời gian so với dự kiến ban đầu sẽ đảm bảo cho một văn bản Hiến pháp dù là sửa đổi hay làm mới sẽ tương xứng với vị thế của một bộ luật cơ bản, như đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước cũng như nguyện vọng dân chủ của nhân dân. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Bổ sung chế định bảo hiến là cần thiết Việc bổ sung chế định bảo hiến độc lập với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn như phương án 2 của dự thảo là sự đổi mới cần thiết, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta. Tôi nhất trí với phương án 2 (quy định hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập). Về tổ chức, tôi đề nghị quy định chủ tịch nước là chủ tịch hội đồng bảo hiến và các thành phần khác không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội do chủ tịch nước giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): Không hiệu quả Về hội đồng Hiến pháp, tôi thấy không nên vì tôi nghĩ rằng hiệu quả không có bởi Quốc hội vừa là người xây dựng Hiến pháp vừa là người ban hành luật cho nên Quốc hội có thể làm được việc đó, còn hội đồng Hiến pháp tôi thấy không có vị trí và không có chỗ đứng trong thể chế một Đảng của chúng ta. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận