Mới đây tại kết luận sau buổi làm việc với Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tỉnh này phối hợp với các bộ liên quan lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trả lại nguyên trạng di tích điện Long An.
Nhiều bảo tàng "tạm trú" trong di tích
Bà Huỳnh Thị Anh Vân - giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế - cho biết bảo tàng đã nhiều lần đề xuất việc sắp xếp hoặc xây mới một trụ sở để thoát cảnh "ở nhờ" trong điện Long An.
Nguyên do là bởi ngôi điện này hiện không còn đủ chuẩn để thực hiện các công năng của một bảo tàng, đặc biệt là việc trưng bày và bảo quản cổ vật.
Tương tự, Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên Huế cũng đang sử dụng di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn làm trụ sở và nơi trưng bày, bảo quản hiện vật.
Ở bờ nam sông Hương còn có hai bảo tàng công lập cũng đang cảnh chật vật vì phải tận dụng trụ sở của những đơn vị làm nơi trưng bày, bảo quản hiện vật là Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế hiện đang tận dụng trụ sở của Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị trên con phố sầm uất Lê Lợi dọc sông Hương.
Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung thì đang "ở nhờ" tại tầng hai của tòa nhà thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thừa Thiên Huế.
Bà Đinh Thị Hoài Trai - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế - cho biết hiện nay bảo tàng đang lưu giữ hơn 1.000 bức tranh và hiện vật, trong đó có hơn 60 bức tranh quý.
"Đã 5 năm bảo tàng này được thành lập và cũng chừng đó năm trụ sở của bảo tàng vẫn đang nằm… trên giấy. Nguồn tranh sưu tập và được hiến tặng của bảo tàng cứ tăng lên theo từng năm nhưng kho cất giữ đã kín chỗ. Và tranh chúng tôi sưu tập về cũng gần như không có chỗ trưng bày xứng tầm", bà Trai cho biết.
Đề xuất hợp tác công - tư
Ngoài việc xây mới hay sắp xếp lại một vị trí xứng tầm cho bảo tàng cổ vật Huế, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế cần có một đề án củng cố nâng cấp chất lượng trưng bày.
"Nhiều cổ vật cung đình tiêu biểu nhất của vương triều Nguyễn như hàng chục cái ngọc tỉ, kim ấn… đang được cất giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội. Đáng lý ra vị trí của những báu vật này phải là ở Huế, ở Bảo tàng Cổ vật cung đình. Cần có cơ chế để đưa một phần những cổ vật này về đúng với vị trí của nó", ông Hoa nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói rằng trong thời gian tới tỉnh sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm vấn đề về trụ sở cho các bảo tàng công lập.
"Hai trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Lịch sử cách mạng đang được tỉnh thẩm định những bước cuối để chọn ra vị trí trụ sở mới. Còn với Bảo tàng Cổ vật cung đình, tỉnh đang nghiên cứu phương án, có thể sắp xếp lại khu vực di tích Viện Cơ mật (trụ sở Trung tâm Di tích cố đô Huế - PV) làm trụ sở và nơi trưng bày của bảo tàng", ông Bình nói.
Theo ông Bình, trở lực lớn nhất của tỉnh trong việc đầu tư vào các bảo tàng và thiết chế văn hóa đó là nguồn lực kinh tế.
Vị phó chủ tịch tỉnh kỳ vọng rằng việc đầu tư vào các thiết chế bảo tàng ở Huế, đặc biệt là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sẽ nằm trong nguồn kinh phí thực hiện Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Thừa Thiên Huế đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.
Thế nhưng nhìn lại, hiện Huế đang rất thiếu đầu tư và yếu về trưng bày, phát huy công năng của các bảo tàng - nơi phô diễn những tinh hoa xứ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận