24/06/2019 17:23 GMT+7

'Độ ta không độ nàng' đang là hot trend kìa, có nghe chưa?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - 'Độ ta không độ nàng đang là hot trend kìa, có nghe chưa?', nếu chưa, 'thật lạc hậu' hay 'thành người tối cổ mất rồi'.

Khi mạng xã hội bùng nổ tại VN và len lỏi đến từng ngóc ngách đời sống thông tin của mỗi người dùng Internet, trend (xu hướng) hay hot trend (xu hướng nổi trội) trở thành từ thường xuyên được mọi người nhắc đến. 

"Độ ta không độ nàng đang là hot trend kìa, có nghe chưa?", nếu chưa, "thật lạc hậu" hay "thành người tối cổ mất rồi". Những câu nói này (hoặc với nội dung tương tự) hẳn nhiều người thường được nghe mỗi khi trên mạng xã hội có một trào lưu mới. 

 Độ ta không độ nàng bản remix của Anh Duy

Và rồi, dù muốn hay không, thích hay ghét, người người đều thử đi tìm xem "hot trend" đang là gì, để biết mà "nói chuyện với người ta" hay để không bị trôi tuột thành "người tối cổ".

Mới đây thôi, câu chuyện Khá Bảnh và giang hồ mạng có thể được gọi là một siêu "hot trend" khi nhận được sự tìm kiếm, theo dõi của hàng triệu người dùng mạng xã hội YouTube. 

Những clip miêu tả đời sống xã hội đen, những cảnh ăn chơi, chửi bới, "chém gió" của những kẻ tự xưng giang hồ bỗng nổi lên không khác gì những màn trình diễn của các siêu sao bóng đá hay các nghệ sĩ âm nhạc hàng đầu thế giới.

Người lớn bàn tán, chia sẻ nhau xem dần lan đến trẻ em, con nít cũng bắt chước xem theo... Hệ lụy có thể gặp phải là cả người lớn cũng bị những nội dung độc hại, không lành mạnh tác động; con em của họ cũng có thể bị ảnh hưởng. Cứ như thế đời sống mạng bước thẳng vào đời sống thật nếu người xem thiếu sức phản vệ!

Không thể phủ nhận sức mạnh thông tin, tiếng nói nhiều lợi ích của mạng xã hội ngày nay. Nhưng mạng xã hội cũng đang ở giai đoạn mà chất lượng trải nghiệm của người dùng tỉ lệ thuận với lượng thông tin cá nhân được chia sẻ - dù đó là thông tin về tài chính, địa điểm, thói quen mua sắm, sở thích ăn uống hay tình trạng mối quan hệ. 

Người dùng càng chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư lên các mạng xã hội, những nguy hiểm rình rập họ (và cả con em họ) càng nhiều hơn. Do đó, không chỉ trẻ em mới cần được bảo vệ trên mạng (Tuổi Trẻ ngày 23-6) mà chính những bậc cha mẹ, những người lớn cũng cần được bảo vệ (và tự bảo vệ mình) khi tham gia thế giới ảo.

Theo các chuyên gia của Hãng bảo mật Kaspersky Lab, để giữ an toàn cho quyền riêng tư khi trực tuyến, người dùng cần thường xuyên kiểm tra cài đặt thiết bị và chọn mật khẩu mạnh cho các tài khoản đang sử dụng, đặc biệt tài khoản liên quan đến mạng xã hội. 

Trong quá trình lên mạng Internet, người dùng không nên mở hoặc lưu trữ các tập tin lạ, vì chúng có thể chứa mã độc; không bị đánh lừa bởi những người hứa hẹn đổi vật phẩm có giá trị để lấy dữ liệu cá nhân.

Đặc biệt, người dùng không nên chia sẻ quá nhiều về bản thân với những người chưa tin tưởng; không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang web hoặc dịch vụ; đồng thời nên sử dụng những giải pháp bảo mật đáng tin cậy.

Vậy thì, người dùng cần thường xuyên "cập nhật cách online" để tương thích với việc các thuật toán công nghệ đang được cải tiến liên tục để "đọc vị" họ.

Bảo vệ trẻ em trước mạng độc hại: Cha mẹ phải là

TTO - Các chuyên gia đều nhận định môi trường mạng có nhiều lợi ích đối với người dùng, nhưng ngày càng có những rủi ro tiềm ẩn, đáng để tâm, đặc biệt là đối với trẻ em.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên