Sáng 16-2, học sinh lớp 12 Trường Quốc tế Canada (TP.HCM) tìm hiểu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 - Ảnh: THANH YẾN
Những ngày mùa xuân này Hà Giang đang đẹp lắm. Hoa đào, hoa mơ, hoa mận mơn man nở mát cả triền núi đá. Ấy vậy, người người đang kể lại những năm tháng mà những vách núi đá Hà Giang bị đạn pháo nghiền thành bột, thành bụi, triền núi, thung lũng là lò nung vôi.
Và trong cái lò ấy là những con người, những chàng trai trẻ nghiến chặt răng, nắm chặt tay súng để giữ gìn Tổ quốc...
Sống bám đá - Chết hóa đá - Thành bất tử
Khang kiện, minh mẫn và nụ cười thật hiền ở tuổi 91, trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên tư lệnh Quân khu 2 - trầm giọng: "Đó chính thức là một cuộc chiến tranh biên giới, chiến tranh vệ quốc của Việt Nam, và không chỉ là một tháng kể từ 17-2-1979. Hơn 2.000 ngày đêm các đồng đội của chúng tôi đã chiến đấu từng phút giây trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang...".
Lặng đi một chút, ông ngẩng lên nhấn giọng: "Bộ đội ta ở Vị Xuyên: Sống bám đá - Chết hóa đá. Chúng tôi đã không để mất một tấc đất, hòn đá nào của Tổ quốc, và mãi mãi sẽ là như vậy. Nói đến biên giới là nói đến bộ đội - nhân dân".
Kinh qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khi nhận nhiệm vụ tại Quân khu 2, trực tiếp chỉ huy mặt trận Vị Xuyên năm 1986, ông đã 58 tuổi. Vậy nhưng vị thiếu tướng - tư lệnh đi ngang dọc chiến trường, tiến sâu vào mặt trận không chỉ bằng đường ôtô.
Ông cũng lăn - lê - bò - trườn dưới các chiến hào, lội bùn tới đầu gối, đu dây qua vách núi đá tai mèo để đến tận từng phân đội, địch cách phía bên kia chỉ chừng vài chục mét. "Có vậy mới biết địch, hiểu ta", ông bảo vậy.
Các hang động đá vôi, nơi bộ đội trú ngụ, bị đạn pháo giội liên tục cho đến thành "lò nung vôi" giữa nắng cháy gắt ban trưa và gió núi lạnh ban tối.
"Bộ đội ta rất dũng cảm. Sống bám đá - Chết hóa đá", ông một lần nữa bùi ngùi nhắc.
Khẩu súng AK của liệt sĩ - Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Ninh, trung đội phó đại đội 2, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, sư đoàn 356, Quân khu 2, hiện nằm trong bảo tàng của Quân khu 2, trên báng súng còn khắc dòng chữ: "Sống bám đá - Chết hóa đá - Thành bất tử".
Hai ngày 18 và 19-1-1985 chiến đấu trên cao điểm 685 Vị Xuyên, anh ba lần bị thương nhưng kiên quyết bám trụ cùng đồng đội cho đến hơi thở cuối cùng. Anh đã hóa đá thật sự để giữ gìn Tổ quốc.
Học sinh lớp 11 IB Trường Quốc tế Canada tại TP.HCM trong buổi tìm hiểu về cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979. Các bạn học sinh tự nhập vai là các nhà văn, nhà chính trị, nhà thơ… để nói về những vấn đề xoay quanh cuộc chiến tranh - Ảnh: THANH YẾN
"Ở cương vị chỉ huy, chúng tôi phải tìm mọi cách giữ gìn xương máu anh em", ông Đặng Quân Thụy nói.
Sau khi tổng kết những trận đánh giữ vững cao điểm, chiếm lại được cao điểm, được cho là thắng lợi nhưng thiệt hại lớn do chênh lệch quân số, vũ khí, ông đã thống nhất lại quan điểm chỉ huy: không nôn nóng, vội vàng trong việc đuổi địch ra khỏi biên giới; củng cố vững chắc các trận địa trên các cao điểm đối diện địch, ngăn chặn không cho lấn chiếm thêm, kiên quyết không để mở rộng chiến sự, đánh trả thật hiệu quả.
Trong tình hình ấy, một cuộc họp với các cán bộ sư đoàn được tổ chức và nhanh chóng đạt được sự đồng tâm. Khi cuộc họp gần kết thúc, tư lệnh Đặng Quân Thụy bỗng bị một cơn co thắt ngực, tim nhói lên, gục xuống bàn. Anh em đỡ ông nằm xuống.
Bác sĩ bảo phải đi ngay bệnh viện nhưng ông nói: "Tình hình mặt trận đang diễn biến phức tạp, xin điều trị tại chỗ, khi nào bớt căng thẳng tôi sẽ chấp hành đi viện". Uống một viên thuốc trợ tim, nghỉ thêm mấy phút, ông lại ngồi dậy phát biểu kết luận.
Trận chiến lớn nhất ở Vị Xuyên diễn ra từ ngày 5 đến 8-1-1987, ngay sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vừa kết thúc tại Hà Nội.
Đoán biết được phía Trung Quốc thường sử dụng những thời điểm có sự kiện kéo giãn sức tập trung, ban chỉ huy mặt trận Vị Xuyên đã chuẩn bị đối phó từ trước.
Lương thực, thuốc men, đạn pháo đều đã tích trữ đầy đủ. Khi pháo Trung Quốc bắn dày đặc bao phủ các chốt từ tây sang đông sông Lô, sang đồi Dài, cao điểm 1100, C1 để yểm trợ cho các đợt xung phong của bộ binh thì phía Việt Nam vẫn bình tĩnh tập trung ngăn chặn từng điểm một.
Giằng co quyết liệt đến tận tối. Nghe và phân tích những mẩu đối thoại giữa binh lính Trung Quốc được báo lại từ các chiến hào, ông Thụy nhận định "Chúng sẽ rút". Và quả thật, đến 9h tối thì các cuộc tấn công đã dừng.
Tuy vậy, "Sẵn sàng, sẽ còn tiếp tục tấn công đấy", ông lại nhận định và quả thật những ngày sau, từ mờ sáng pháo đã bắn dồn dập, những đợt tấn công bằng "biển người" mỗi lúc mỗi đông hơn dù trước mỗi phát đạn, quả pháo của Việt Nam đều có nhiều người ngã xuống.
Đêm đến, những bóng người mặc áo trắng cầm cờ trắng, cờ đỏ xuống trận địa tìm khiêng tử sĩ. Sư đoàn trưởng báo cáo, xin bắn tiếp nhưng ông Thụy không cho.
Ông lệnh dùng loa thông báo: "Vì lòng nhân đạo của nhân dân Việt Nam, cho phép quân Trung Quốc đưa binh sĩ tử trận về an toàn". Bốn ngày liền như vậy và cuối cùng quân Trung Quốc đã lui về vị trí cũ.
Các hãng tin quốc tế đều đưa nhận định rằng đây là cuộc xung đột mạnh nhất kể từ 17-2-1979. Sau trận này, tình hình chiến sự ở Vị Xuyên giảm dần, cho đến hết năm 1988 chỉ còn những trận bắn pháo và xung đột nhỏ. Sang 1989, quân Trung Quốc từng đợt, từng đợt lần lượt rút khỏi Hà Giang.
Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC HUY
Vị Xuyên phải là địa điểm có chiến tranh cuối cùng ở Việt Nam
Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC HUY
Vị Xuyên phải là mặt trận cuối cùng
Cũng qua một đời binh nghiệp, trải khắp các chiến trường Điện Biên Phủ, Quảng Trị - Khe Sanh, Tây Nguyên cho đến khi đất nước thống nhất, lại lao đi bảo vệ biên giới Tây Nam, lăn lộn với chiến trường Campuchia, mãi đến năm 1983 thiếu tướng Nguyễn Đức Huy mới đưa được gia đình về sum họp tại Hà Nội, ông nhận công tác phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô.
Năm 1985, ông được lệnh tăng cường chiến đấu cho mặt trận Vị Xuyên một năm. Ông lại xốc balô lên đường. Trên đường lên mặt trận, ông nhắn tin đề nghị với Bộ Quốc phòng, xin được cử hẳn về Quân khu 2, vai trò cán bộ tăng cường sẽ rất khó chỉ huy mặt trận. Ông trở thành phó tham mưu trưởng Quân khu 2.
Vị Xuyên ngày ấy vừa trải qua trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984, bộ đội hi sinh hơn 600 người trong một đêm (ngày 12-7 sau này được lấy làm ngày giỗ trận Vị Xuyên - PV).
Mặt trận vừa thiếu người, thiếu vũ khí, thiếu cơm gạo, nước uống, quân trang. Pháo Trung Quốc vẫn cấp tập nghiền các vách đá thành bụi, có ngọn núi bị bắn bạt đi mấy mét đo được bằng mắt thường.
Nhiều anh lính trẻ bị chấn động, nhiều cán bộ đã dày dạn cũng hoang mang. Tư lệnh mặt trận lúc đó là tướng Nguyễn Hữu An chủ trương xốc dậy tinh thần anh em bằng cách tổ chức một trận đánh chiếm lại một cao điểm nhỏ và trấn giữ thật vững. Ông Nguyễn Đức Huy được giao tổ chức trận này.
Hơn một tháng chuẩn bị tỉ mỉ công phu từng mục tiêu, từng chi tiết, 40 chiến sĩ bộ binh thuộc sư đoàn 313 được chọn để tham gia. Đúng 1h30, lệnh nổ súng.
Chỉ trong vòng 30 phút đã chiếm lại được điểm A6b, một điểm đá vôi nhiều hang hốc. Đạn dược, lương thực, bao cát lập tức được đưa đến để củng cố công sự.
"Bộ đội, thấy đồng đội theo nhau ngã xuống ai cũng đau thương, nhưng lấy lại được đất của mình thì tinh thần được xốc lại lập tức.
Đi kiểm tra các cao điểm, gặp mấy người lính Hà Nội nắm tay tâm sự: "Thủ trưởng ơi, ở thủ đô lên mang tiếng là "lính cậu" nhưng bọn em sẽ kiên quyết giữ vững trận địa. Thủ trưởng yên tâm". Người lính của chúng ta là như thế đó...", ông cười.
Sau một năm, ông Nguyễn Đức Huy cũng không về lại Quân khu Thủ đô. Ông đã gắn bó chặt với Vị Xuyên, trở thành phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 2 cho đến ngày Vị Xuyên bình yên trở lại tới tận ngày nghỉ hưu.
Những năm sau này, khi câu chuyện khói lửa Vị Xuyên chìm vào lặng lẽ, chính thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất. "Hơn 4.000 đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống ở Vị Xuyên, đã hóa thành Vị Xuyên. Không được phép lãng quên, và càng không được phép để nguy cơ chiến tranh lặp lại. Vị Xuyên phải là địa điểm có chiến tranh cuối cùng ở Việt Nam..." - ông nhấn mạnh.
Chúng ta không phải rút đi đâu cả, vì đây là Việt Nam
Trong các trận chiến, phía Trung Quốc cũng quyết tâm không kém, cũng kích động tinh thần binh lính bằng mọi cách - ông Đặng Quân Thụy kể.
Nhưng, "Đây là đất nước của chúng ta, bộ đội ta còn có nhân dân ở phía sau. Không có hầm hào nào đủ sâu, đủ dài như lòng dân, không có quân tiếp viện nào bền bỉ bằng những làng bản của dân cả. Chúng ta không phải rút đi đâu cả, vì đây là Việt Nam" - tư lệnh Thụy nhắn nhủ chiến sĩ trong những thời khắc ấy.
"Nhờ quân, nhờ dân. Chúng ta không mất một tấc đất", trung tướng Đặng Quân Thụy lần nữa nhấn giọng.
Rồi ông trầm ngâm nói thêm: "Gần đây, tôi nghe nhiều dư luận phê bình chính sách của ta là sợ Trung Quốc. Tôi không đồng ý. Những uyển chuyển ngoại giao chỉ là vì chúng ta không muốn lại có chiến tranh. Đã hàng ngàn năm đối mặt, đấu tranh, chiến tranh để giữ từng tấc đất, chúng ta có hi sinh cũng không sợ và không bao giờ sợ...".
Ông Lục Văn Vĩnh và 5 người con ở bản Nà Lỏng, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đều tham gia lực lượng vũ trang trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - Ảnh: TTXVN
Một số hình ảnh về cuộc chiến vệ quốc không thể nào quên - Ảnh: TTXVN
Một số hình ảnh về cuộc chiến vệ quốc không thể nào quên - Ảnh: TTXVN
Một số hình ảnh về cuộc chiến vệ quốc không thể nào quên - Ảnh: TTXVN
Một số hình ảnh về cuộc chiến vệ quốc không thể nào quên - Ảnh: TTXVN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận