Lã Thanh Huyền và Trương Minh Quốc Thái trong phim Người trở về - Ảnh: ĐPCC |
Nếu chỉ đọc thông tin về Người trở về trên giấy có lẽ ta dễ hình dung đây là một đại diện tiêu biểu của dòng phim do Nhà nước đặt hàng: Hãng sản xuất Điện ảnh Quân Đội, đề tài chiến tranh, tên phim cũ xưa, ý tưởng kịch bản từ truyện của nhà văn Sương Nguyệt Minh mà nghe qua cốt truyện thì... khó hi vọng có điều gì mới để ta trải nghiệm. Vậy mà ta lại có thể khóc, vừa xem phim vừa khóc...
Cũng dễ hiểu khi có người hỏi trên FB khi mới được nhìn poster phim, rằng phim của trưởng lão nào?
Nên bất ngờ đầu tiên: đạo diễn không những trẻ, lại là nữ, lần đầu làm phim chiến tranh - Đặng Thái Huyền cùng quay phim Trịnh Quang Tùng, vốn là bạn học cùng khóa. Cả hai tất nhiên còn lâu lắm mới lên mức lão!
Bất ngờ thứ hai: người lên đường theo tiếng gọi tiền tuyến, mang theo tình yêu nguyên vẹn với tất cả thề bồi của mối tình đầu bên nhà hàng xóm, người được coi như đã hi sinh trên giấy báo tử, người bất ngờ trở về vào đúng ngày cưới của người yêu cũ...
Người ấy là một cô gái tên Mây - người được định mệnh và đạo diễn lựa chọn để gánh cả tấn bi kịch trong và sau chiến tranh.
Đạo diễn thường “hành hạ” khán giả theo cách đó, cứ lúc đang tưởng ngã lòng ra mà sầu với lặng thì phim lại có một kịch tính xuất hiện rất đường hoàng. Nhờ vậy, phim cột chặt khán giả vào màn hình, khó rời ra, khó chối từ |
Khóc từ đầu phim
Khán giả có thể khóc ngay từ những cảnh đầu phim vì bi kịch chính của phim thật ra được đạo diễn chọn lựa đặt ngay lên đầu. Không khoan nhượng và không dông dài. Khi ông bố vốn là người lái đò bên bến sông Châu, nghe tiếng gọi "Đò ơi" ngân dài rồi vỡ tan ra trong nước mắt.
Con đò gầy còn nguyên chữ song hỉ đỏ tươi của đám rước dâu... giờ đưa cô Mây trở về với thực tại éo le...
Với vai diễn này, Lã Thanh Huyền - gương mặt xinh đẹp, trong sáng, nhẹ nhõm và nữ tính, quả thật hợp vai. Cô đã trở thành đại diện tiêu biểu cho kiểu nhân vật vừa nhìn đã thấy khổ đau - nước mắt.
Đây vừa là điểm cộng lại vừa hàm nghĩa điểm trừ, bắt đầu từ nửa sau của phim, khi mà Mây vẫn khóc, vẫn sợ hãi, vẫn khổ đau, vẫn... với từng đó nét diễn của nửa đầu thì đôi lúc khó tránh được cảm giác quá tải cho cả diễn viên và khán giả! Tất nhiên, điều này không hoàn toàn do diễn xuất của diễn viên.
Thu Thủy vào vai cô dâu của anh người yêu cũ, không tránh được những đoạn cương cứng trong diễn xuất nhưng vẻ đờ đẫn, kiểu nhìn hoang hoải đã khiến vai Thanh (vốn dễ cũ kỹ) trở nên sống động và đáng tin.
Cách nói và ánh nhìn rất trong trẻo nhưng thật ra thấu hiểu gây cảm giác đó là những thứ tự nhiên đã có ở bên trong tuổi trẻ!
Gần cuối phim, khi Thanh trở dạ đứa con đầu lòng, dù phân đoạn hơi kéo dài nhưng bản lĩnh diễn xuất đáng ngạc nhiên của Thu Thủy đã khiến ta như nhìn thấy cô gái nhỏ trong em đang dần biến mất để còn lại một người phụ nữ đã lớn hẳn lên!
Về nhiều mặt, vai diễn này thật sự thú vị, nhiều màu sắc và được đạo diễn chăm chút từng chi tiết nhỏ.
Nữ diễn viên gạo cội Như Quỳnh vào vai bà mẹ điển hình, chịu thương chịu khó, thờ chồng, sống chết vì con. Vai diễn không muốn nói là quá cũ này được Như Quỳnh xử lý một cách đẳng cấp.
Với tạng tâm lý gần như một màu của vai diễn, Như Quỳnh không cần nhiều hơn ba nét: buồn, thấu cảm, thân phận; thậm chí thoại của nhân vật cũng chả có gì mới, toàn những là than ngắn với lại thở dài... nhưng kỳ lạ là bà vẫn khiến người xem lay động, đến mức lắm khi chỉ muốn tiến lại màn hình để được chạm vào.
Đây có lẽ là nhân vật mà khán giả sẽ thấy tự nhiên gắn bó nhất trong phim.
Phim chọn cách kể cổ điển, khán giả dễ hiểu, dễ cảm, dễ yêu: nhà làm phim đan cài sự thảm khốc của chiến tranh nơi tiền tuyến với những giày vò, khốn khổ của thân phận hậu phương nhưng mọi bom rơi đạn nổ giờ chỉ còn là ác mộng - là cơn mơ khổ hành của người lính.
Còn nước mắt và thân phận của người làng Châu giờ là hiện thực đang diễn ra và cần chung sống.
Lã Thanh Huyền vai Mây trong Người trở về - Ảnh: ĐPCC |
Nữ tính ngay trong khốc liệt
Hệ thống nhân vật nam đông đảo, vững chắc và đẹp trai, từ San (Tiến Lộc) người đàn ông của cả cuộc đời Mây đến Quang (Trương Minh Quốc Thái) - anh lính trinh sát vào sinh ra tử cùng Mây nơi chiến trường, từ ông bố đến anh trai, từ vai chính đến vai phụ...
Đạo diễn nữ nên các diễn viên nam quả nhiên ghi điểm ở phần nhan sắc.
Hình ảnh, màu sắc, ánh sáng của Người trở về theo lối cổ điển, kiểu mà khán giả đã từng yêu, từng tin rằng nhất định phải thuộc về phim thời chiến... Một lối làm hình mà mọi sự đều trong trẻo, mát lành và đẹp đẽ theo kiểu nguyên sơ.
Các cảnh cháy nổ làm tiết chế, không khoa trương nhưng hiệu quả. Không ôm đồm đại cảnh, chỉ tập trung toàn cảnh cỡ vừa và dành nhiều chăm chút cho những cảnh hẹp hơn nữa mà vẫn khiến khán giả rơi nước mắt.
Phim của đạo diễn nữ nên y như rằng phục trang rất đẹp mắt, từ màu sắc đến hoa văn, từ kiểu dáng đến ngắn dài... tôn trọng lịch sử là một chuyện nhưng nhìn nhân vật trên phim cũng thấy xiêu lòng vì cái vẻ đáng yêu đôi khi hơi kiều diễm của họ.
Nhạc phim không quá ấn tượng nhưng hài hòa và đặc biệt nữ tính ngay cả trong những trường đoạn khốc liệt nhất của phim.
“Hà Nội ơi, tóc thề thả gió lê thê, biết chăng ngày ấy anh về!” là lời hát nức nở của cô y tá tiễn biệt người bệnh binh đang hấp hối.
Bất chấp sự ám ảnh của gương mặt gần như nát bấy chiếm hết cả khuôn hình, cảm giác về một khoảnh khắc bi thương xâm chiếm theo cú máy dài lơ lửng trôi... bị ngắt đột ngột bởi tiếng bom nổ chói tai.
Đạo diễn thường “hành hạ” khán giả theo cách đó, cứ lúc đang tưởng ngã lòng ra mà sầu với lặng thì phim lại có một kịch tính xuất hiện rất đường hoàng. Nhờ vậy, phim cột chặt khán giả vào màn hình, khó rời ra, khó chối từ.
Nếu tiếng gọi "Đò ơi" ở đầu phim đã mang Mây về để rồi khiến cô chỉ muốn ra đi thì khi kết phim, trong đêm mưa bão, trên con đò thả trôi giữa dòng... tiếng gọi "Mây ơi" không rõ của người đàn ông nào (người cô yêu suốt cuộc đời hay người đã hứa sẽ yêu cô suốt phần đời còn lại).
Tiếng gọi đó có lẽ sẽ đưa cô thật sự trở về.
Hi vọng phim được công chiếu rộng rãi Là một đạo diễn, tôi và êkip khao khát tác phẩm phim truyện nhựa Người trở về đến được với đông đảo khán giả cả nước. Đây có lẽ cũng là phim truyện điện ảnh VN cuối cùng được quay bằng chất liệu phim nhựa (Kodak màu). Làm một tác phẩm nghệ thuật, bất kỳ người sáng tạo nào cũng muốn “đứa con tinh thần” của mình khi ra đời được công chúng đón nhận, xinh đẹp, hay dở thì những đánh giá của công chúng là công tâm nhất. Khi phim được công chiếu rộng rãi, chúng tôi rất chờ đợi những nhận xét đích đáng từ khán giả, để chúng tôi tiếp nhận và phát huy tốt hơn, hoàn thiện hơn ở những dự án điện ảnh sắp tới. Sau năm suất chiếu tại Hà Nội, hiện phim Người trở về đang được ưu tiên phát hành trong hệ thống chiếu phim quân đội, phục vụ đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nhân dịp Quốc khánh 2-9. Sau đợt chiếu này, chúng tôi hi vọng sẽ được sự đồng ý để phim có thể được công chiếu trên hệ thống rạp toàn quốc. |
Những bi kịch riêng từ một bi kịch chung Xem phim, thấy làng quê Bắc bộ hiện lên thật đủ đầy và sinh động: có cô điên vì nhớ chồng mà gào khóc suốt đêm thâu, có anh đàn ông xuất hiện chỉ để ôm cô cho cô đỡ vẫy đỡ vùng, có gia đình liệt sĩ, có mẹ góa con côi, có nhà người lái đò khắc khoải chờ một đám mây lành. Có lũ trẻ đồng xanh, có những anh cán bộ vẻ ngoài tử tế mà bên trong nhiều toan tính, có ông trưởng họ khắc nghiệt mà hóa ra nặng nghĩa nặng tình, có người vợ thương chồng phải vác bụng đi xin về một mống con giai, có mẹ chồng khóc thương con dâu, và tất nhiên có người trở về sau chiến tranh để từ đây bi kịch bắt đầu... Phụ nữ trên phim dường như chỉ có nước mắt và những giấc mơ vỡ nát, từ nhân vật chính cho đến những nhân vật phụ thoảng qua. “Người đắp chăn bông” lẫn “kẻ lạnh lùng”, điểm chung của họ là tất thảy đều đau đớn và những bi kịch riêng được lý giải rằng đều bắt nguồn từ bi kịch chung: chiến tranh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận