​Đồ nghề nghe nhạc: Đi một vòng rồi về chỗ cũ, có sao?

NGUYỄN VẠN PHÚ 24/04/2015 21:04 GMT+7

TTCT - Hình như con người thích những gì giúp họ kiểm soát hay có cảm giác kiểm soát được thực tại bên ngoài.

Có khi nào các bạn thấy người ta buộc dây thun hai chiếc máy đắt tiền như trong hình chưa? 

 
 

Nếu hình trên chưa làm bạn ngạc nhiên lắm thì xin nhìn vào hình dưới.

 

Đây là “đồ nghề” nghe nhạc được xem là khá chuyên nghiệp hiện nay. Có lẽ cũng không cần biết tên cũng như giá tiền các món này bởi cái đập vào mắt người xem là hai sợi dây thun buộc máy. Chúng vừa dễ thương vừa nói lên cái điên khùng của “tiến bộ công nghệ”.

Với giá tiền đắt gấp mấy lần dàn máy đầy đủ, đồ sộ, “combo” buộc dây thun trong hình chỉ hứa hẹn người nghe chất lượng nhạc “gần bằng CD”! Và hai sợi thun là do nhà sản xuất cung cấp chứ không phải do ai chế ra đâu.

Đi một vòng từ nhạc MP3 gây sóng gió cả làng nhạc vì từng khai tử các loại máy Walkman, Discman, MiniDisc, đẩy CD vào chỗ lụi tàn, làm xáo động cả quy trình phát hành nhạc, nay người ta quay sang nhạc lossless, tức nhạc gần như không nén. Từ chỗ nhạc MP3 (128kbps) nhỏ xíu, một cái iPod tí hon chứa được cả ngàn bài, sang nhạc MP3 320kbps chất lượng cao rồi FLAC, ALAC có thể lên cả GB mỗi album.

Và vì thế sau một thời gian ngắn rộ lên các loại máy MP3 nhỏ như thanh kẹo cao su rồi đủ loại iPod, người ta nay quay sang nghe nhạc trên điện thoại di động. Nhưng với trào lưu lossless, dòng máy Walkman hứa hẹn chơi nhạc Hi Res Audio, dung lượng lớn để chứa các file nhạc khổng lồ lại hồi sinh, có cái như Sony ZX2 mới ra mắt, giá đến 23 triệu đồng.

Như thế cũng chưa đủ, người ta dụ dỗ nghe nhạc Hi Res với tai nghe xịn mà không kèm theo cái tăng âm cầm tay (headphone amp) thì làm sao kéo nổi. Rồi linh kiện chuyển đổi tín hiệu từ digital sang analog (DAC) để tới tai nghe trên điện thoại di động hay máy tính là đồ rẻ tiền, phải mua thứ xịn.

Thế là mới có chuyện chiếc điện thoại iPhone hay máy nghe nhạc phải buộc dây thun kèm với cái DAC/Amp kiểu như trong hình! Cái Pha-3 cũng của Sony giá thêm 20 triệu đồng nữa.

Cái kiểu loay hoay đi một vòng về lại chỗ cũ như thế nhiều lắm, kể không hết. Với phim ảnh, cuộc đua đẩy chất lượng hình ảnh lên cao vẫn đang tiếp diễn, hết Full HD nay chuyển sang Utra HD 4K, trong khi đó người dùng lại quay sang xem YouTube trên màn hình chiếc điện thoại di động nhỏ xíu.

Sự loay hoay nằm ở chỗ có những thiết bị như Chromecast lại giúp người dùng “bắn” hình ảnh họ đang xem trên điện thoại qua YouTube lên màn hình chiếc tivi nhà họ. Lúc đó duy trì cho được chất lượng bằng DVD là đã quá ngon lành. Thế mà người ta vẫn bàn tán sôi nổi về nó, cứ thêm một ứng dụng nào đó hỗ trợ Chromecast là thành tin.

Chẳng lạ gì trong các chuyện trọng đại hơn, người ta cũng loay hoay đi quanh một vòng như cổ vũ rồi phản bác toàn cầu hóa; trái đất phẳng rồi trái đất cong; bàn tay vô hình của thị trường rồi bàn tay hữu hình của nhà nước...

Sẽ có người phản bác cứ nhìn mà xem, hai sợi dây thun trong hình cũng là đẳng cấp đấy chứ. Loay hoay vòng quanh nhưng cái vòng xoắn đó mang hình trôn ốc, đi một vòng không về chỗ cũ mà lên cao hơn.

Hình như con người thích những gì giúp họ kiểm soát hay có cảm giác kiểm soát được thực tại bên ngoài. Đó có lẽ là lý do giúp máy tính thâm nhập từng nhà, từng bàn làm việc nhanh đến thế. Lúc còn dùng hệ điều hành DOS, cái cảm giác khoái chí khi gõ lệnh DIR để thấy toàn bộ tên file hiện ra thật rõ. Không tin cứ thử nhớ lại, đâu có nhu cầu đọc tên file trong thư mục nhiều đến thế mà sao người ta cứ gõ DIR hoài!

Rồi khi Windows ra đời thử nhớ lại xem, có phải bạn cũng như nhiều người khác cứ thử hết font chữ này đến font chữ khác, cho chữ to dần, to đến độ choán hết màn hình. Tất cả chỉ để thưởng thức cảm giác điều khiển được một thứ bên ngoài mình.

Phụ thuộc vào một mớ CD, muốn nghe phải mở máy, tìm cho ra đĩa nhạc ưa thích làm sao bằng cảm giác tự do xoay vòng cảm ứng trên iPod để nhảy ngay đến bản nhạc hay album muốn chọn. Để tránh lệ thuộc vào các chương trình truyền hình, người ta từng phát minh ra máy ghi kiểu TiVo cũng khá phổ biến, nhưng như thế phải mày mò với máy móc mà không phải ai cũng rành.

Nay thích gì cứ tìm, tất cả có sẵn dù chất lượng có kém một chút cũng đã sao. Chính Chromecast trao cho con người cảm giác có năng lực “siêu nhiên” khi “bắn” hình từ nơi này sang nơi khác.

Cho nên có lẽ loài người còn loay hoay đi mãi - có lúc dường như quay về chốn cũ - nhưng họ cứ đi, miễn sao duy trì được cảm giác kiểm soát thì ở mỗi chặng đường họ đều thấy như mình đã về đích.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận