Hai chữ “vệ sinh” muốn bao hàm nghĩa sạch sẽ, an toàn. Tuy nhiên băng vệ sinh có an toàn và được sử dụng đúng cách hay không lại cần có sự hiểu biết.
Rắc rối ngay chỗ ấy...
Ngứa là triệu chứng nhiều chị kêu ca. Một chỗ nhạy cảm như thế ai lại thò tay mà gãi như ở chỗ da khác. Thói thường càng nhịn gãi càng thấy ngứa. Có chị cáu tiết mua cồn về, vào nhà tắm mà xức cho bõ tức. Gãi gây xước da, cồn thấm vô xót, cứ thế mà nhảy cà tưng như…bị khùng.
Đa số cho rằng tại nhà sản xuất đã không tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Điều này đúng với những mặt hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên nhà sản xuất cũng có lỗi, có khi họ cho chất thơm vô, chẳng may “cô bé” lại không ưa cái hương liệu ấy nên phản ứng.
Một số bạn dùng băng vệ sinh có cánh, nghe quảng cáo thì tuyệt vời, nhưng miếng dán ở phần “cánh” lại cọ sát gây rát, đỏ rồi viêm nhiễm và ngứa ngáy. Còn lại là do chị em ta. Chẳng hạn các nhà phụ khoa khuyên dùng nước sạch hay nước trà xanh để rửa là đủ, nhưng nhiều bạn kỹ quá, cứ dùng xà bông rửa, chà đi xát lại vô tình đã vừa diệt lợi khuẩn nơi đây vừa làm trầy xước, dễ nhiễm những hại khuẩn hơn.
Ngứa còn do một số bạn để băng vệ sinh trong nhà tắm trong thời gian dài. Nhà tắm là nơi có độ ẩm cao tạo cơ hội cho vi khuẩn sẽ đến tiếp cận, và biến cái “vệ sinh” của bạn thành nơi cư ngụ.
Ngứa có thể do bạn lười biếng không chịu thực hiện 4 giờ thay băng vệ sinh một lần. Có bạn để băng vệ sinh “ủ” trong vùng kín cả ngày. Đây là cơ hội cho vi khuẩn, nấm tới, ăn uống, phát triển. Sau khi sạch kinh bạn cứ “chả hiểu sao” mình bị ngứa. Đi khám thì không viêm cũng nấm.
Một số bạn không rửa tay trước khi dùng băng vệ sinh. Mỗi cm2 của bàn tay chứa chừng 4,6 triệu vi khuẩn. Từ bàn tay không sạch, vi khuẩn sẽ chạy qua băng vệ sinh mà gây bệnh cho ‘cô bé”.
Tai nạn do dùng tampon
Tampon được dùng cho phụ nữ đã có gia đình nhiều hơn. Một tampon tròn, nhỏ, đặt sâu trong âm đạo. Nó sẽ thấm hút rất nhanh, chị em cảm thấy còn “khoẻ” hơn khi dùng miếng băng. Tuy nhiên tampon lại có nhược điểm: vì thấm hút nhanh nên làm cho âm đạo trở nên khô, tạo cơ hội cho hại khuẩn phát triển. Chủ yếu là hai loại vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes. Những hại khuẩn này tiết ra độc tố. Độc tố đi vào máu gây nên một hội chứng nhiễm độc: sốt cao, huyết áp hạ, nổi ban ở chân, tay hoặc mặt, cổ, nôn mửa, tiêu chảy, đau mỏi các cơ, âm đạo sưng đỏ, đau đầu, rối loạn hô hấp, có thể co giật…
Nghiên cứu của Tạp chí 60 triệu người tiêu dùng (một trong những tờ báo tiêu dùng hàng đầu tại Pháp) còn cho thấy tampon của một hãng nổi tiếng có chứa dioxin. Đây là chất có khả năng gây ung thư. Vì thế dùng băng vệ sinh sẽ an toàn hơn là tampon.
Dùng băng vệ sinh an toàn
Chọn băng vệ sinh nên chọn những nhà sản xuất có uy tín. Tiếp đến là nhìn kỹ hạn sử dụng. Không nên ham hàng khuyến mãi hoặc những mặt hàng kém chất lượng, giá rẻ.
Cần thay băng vệ sinh 4 giờ một lần, ban đêm có loại băng vệ sinh riêng, bạn nào để đồng hồ báo thức thay băng sẽ tốt hơn. Tốt nhất là dùng nước ấm và sạch, rửa từ trước ra sau, không dùng vòi hoa sen xịt sâu vào âm đạo sẽ làm mất đi những lợi khuẩn. Sau khi rửa lau khô bằng khăn mềm.
Giữ gìn vùng kín trong ngày “đèn đỏ” chính là bảo vệ sức khoẻ sinh sản của bạn. Xin đừng coi đó là “chuyện nhỏ” hay ‘dơ dáy”. Có nhà khoa học đã lãng mạn mà gọi kinh nguyệt là “nước mắt của tử cung”, vậy chị em cũng lãng mạn mà coi đây chỉ là việc lau khô, làm sạch những “giọt nước mắt tử cung” ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận