16/08/2019 17:17 GMT+7

Đỏ mắt tìm nhân lực chuyên trí tuệ nhân tạo

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Nhu cầu nhiều nhưng không tìm ra nhân lực là chia sẻ chung của nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Đỏ mắt tìm nhân lực chuyên trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Công nghệ AI có nhiều ứng dụng nhưng thiếu con người học chuyên ngành - Ảnh: T. HÀ

Thiếu hụt nguồn nhân lực, không thể tuyển được người phù hợp… là chia sẻ của đại diện nhiều doanh nghiệp, tổ chức tại Ngày hội  (AI4VN) với chủ đề Đẩy mạnh hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo diễn ra ở Hà Nội ngày 16-8.

Các chuyên gia, các nhà quản lý đã bàn thảo nhiều về vấn đề nhân lực để phát triển AI - lĩnh vực được coi là cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốn năm tuyển được 3 nhân lực

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy, tại Việt Nam từ năm 2014, mảng AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển, là mũi nhọn của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo bà Ngô Thị Ngọc Lan - giám đốc vùng của Công ty việc làm Navigos Search North, nhu cầu nguồn nhân lực về AI của doanh nghiệp tăng cao nhưng số lượng đào tạo chưa đáp ứng được.

"Nhiều doanh nghiệp phải chủ động tìm đến các trường đại học để phối hợp đào tạo và tìm nguồn nhân lực. Không chỉ thiếu hụt về số lượng, nhân sự trong lĩnh vực này thường có xu thế nhảy việc nhanh. Đây là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp tuyển dụng", bà Lan nêu thực tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, thu hút nhân lực công nghệ thông tin từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Đỏ mắt tìm nhân lực chuyên trí tuệ nhân tạo - Ảnh 2.

Các cuộc thi về AI như cuộc thi Hackathon Vietnam AI Grand Challenge luôn thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia - Ảnh: T.HÀ

Một khảo sát do Navigos Search North thực hiện trên nhóm ứng viên ngành công nghệ thông tin cho thấy 70-80% ứng viên muốn nhảy việc, hơn 50% nói sẽ ra nước ngoài làm việc nếu có lời mời.

Gần 60% doanh nghiệp tuyển dụng trong lĩnh vực này cho rằng khó khăn lớn nhất của họ là vấn đề nhân lực, sau đó mới đến vấn đề dữ liệu và gọi vốn đầu tư.

Theo ông Trần Hồng Thắng - giám đốc ban quản trị dữ liệu của Ngân hàng VietinBank, đơn vị này phải mất 4 năm mới tuyển dụng được 3 vị trí, nhưng đều không đúng chuyên môn.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) cũng cho hay Viettel có rất nhiều bài toán cần giải quyết bằng công nghệ AI. Tuy nhiên, nguồn nhân lực rất thiếu hụt, nhà mạng này phải tìm về các trường đại học để thu hút sinh viên xuất sắc, song cũng không nhiều.

Hơn nữa, nhiều sinh viên dù xuất sắc trong công nghệ thông tin, nhưng khả năng am hiểu về Viettel, các vấn đề của Viettel còn hạn chế. Vì vậy, Viettel đang phải chú trọng đào tạo nội bộ.

Bắt đầu lo đào tạo

Để đón nhu cầu nhân lực về AI, tuy muộn, các trường đại học của Việt nam cũng bắt đầu đầu tư nghiêm túc cho việc đào tạo nhân lực ở lĩnh vực này. Trường ĐH FPT đã mở ngành đào tạo về AI. Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng mở chuyên ngành này.

Còn GS Hồ Tú Bảo, Viện John von Neumann - ĐHQG TP.HCM, cho rằng cùng với việc đào tạo trong nước, Việt Nam nên thu hút các nhân tài người Việt đang làm về AI cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, xây dựng mạng lưới chuyên gia AI người Việt trên toàn cầu, để huy động nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành AI Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết đã phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ và các bộ ngành khác để thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 nhằm kêu gọi những chuyên gia công nghệ trí thức người Việt trên khắp thế giới về Việt Nam.

Chặn gian lận trị giá gần 25 tỉ USD mỗi năm nhờ trí tuệ nhân tạo

TTO - Tổ chức thẻ Visa vừa công bố kết quả phân tích cho biết nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xét duyệt các khoản chi, tổ chức này đã giúp ngăn chặn gian lận trị giá gần 25 tỉ đô hằng năm, nhằm bảo vệ cho các nhà bán lẻ và người dùng.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên