Đó là thông tin gây sốc

KIM SƠN THỰC HIỆN 28/02/2016 18:02 GMT+7

TTCT - Việt Nam đã lên kế hoạch tuyển người cho - người nhận, để đến năm 2017 - nếu ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới thành công - sẽ mời êkip này đến Việt Nam để chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm. Thông tin này lập tức tạo ra dư luận trái chiều.

Bác sĩ Sergio Canavero trong một lần biểu diễn cách ông sẽ phẫu thuật đầu người với báo giới
Bác sĩ Sergio Canavero trong một lần biểu diễn cách ông sẽ phẫu thuật đầu người với báo giới


Trao đổi với TTCT, GS.TS.BS Trần Đông A chia sẻ:

- Bác sĩ giải phẫu thần kinh người Ý Sergio Canavero đang gây chấn động thế giới với tuyên bố sẽ thực hiện ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2017 với chi phí khoảng 13 triệu USD.

Đây là vấn đề có thể kỳ vọng, bởi trong lịch sử ngành ghép tạng đã chứng minh rất nhiều kỳ vọng đến nay đã trở thành hiện thực. Năm 1933, ông Alexis Carrel (người Pháp) mới đưa ra vấn đề ghép thận, đến năm 1954 TS Joseph Murray đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên thế giới, người bệnh sống thêm được 8 năm.

Từ ca mở đầu này, đến nay khoa học ghép tạng đã ghép được gan, tim, thận, tụy, giác mạc, tai, tay, chân, mặt, phổi, dương vật... từ người chết não cho người sống.

Qua những thành công gần đây như ghép mặt của người bị tai nạn bể nát nặng nề được lấy mặt của người khác, ghép tử cung cho phụ nữ để có thể mang thai, ghép mắt thay vì chỉ ghép giác mạc như hiện nay, ca ghép dương vật đầu tiên đã thành công và sắp ghép ca thứ hai... tất cả cho thấy khoa học ghép tạng tiến bộ không ngừng.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và có những thành công trong ghép tủy. Đến thời điểm này đã có một người Nga và ba người Trung Quốc đang chờ ghép đầu. Dù sao đây cũng là nghiên cứu mở đường. Trước đây, trong một tình huống không thể nào làm khác hơn, có bác sĩ đã ghép tim khỉ cho một bé sơ sinh 4 ngày tuổi, bé sống được 3 tuần, nên từ đó người ta rút ra được rất nhiều kinh nghiệm.

Vậy theo bác sĩ, có kỳ vọng?

- Tôi nghĩ kỳ vọng có thể trên 50%, và có thể đến một ngày sẽ thành công. Nhưng phải có người dám đi trước. Tôi ủng hộ sự đi trước này.

Những khó khăn nào có thể gặp trong ghép đầu?

- Ghép đầu người quan trọng nhất là lúc cắt ghép tủy, vì mọi hoạt động của chúng ta đều theo hai chiều từ trên xuống và từ dưới lên nên trên não bộ con người có từng vùng liên quan đến mỗi phần khác nhau của cơ thể.

Có những cử động tự động, nhưng cũng có những cử động được chỉ đạo từ não bộ và cũng có những cử động là kết hợp cả hai. Nếu nối không đúng sẽ không có được những cử động cực kỳ tinh vi này. Tủy sống to bằng hai ngón tay phải được kết nối chính xác trăm phần trăm, tức là đốt sống phải chính xác thì tủy thần kinh đi theo mới chính xác.

Ghép đầu cực khó như vậy nên người ta đã nghĩ và chế tạo keo sinh học đặc biệt gọi là polyethylene glycol để nối hai đầu của tủy sống với nhau nhằm đạt độ chính xác 100% (tức là chỉ dán tủy xương - tủy sống).

Keo sẽ dính ngay và làm cho luồng thần kinh từ trên đầu đi xuống có thể đi ngang qua keo và chui xuống luồng ở dưới (nó còn là keo dẫn, nhờ vậy luồng thần kinh sẽ thông rất nhanh, có thể trong vòng 24 giờ, thay vì khâu vi phẫu như thông thường có thể bị lệch qua lệch lại và kéo dài thời gian lành).

Ghép đầu phải làm sao cho tủy xương liền thật nhanh, người ta đã thử trên chuột. Họ đã ghép trên 1.000 ca nhưng chỉ có một con sống được mấy ngày.

Theo bác sĩ Sergio Canavero, người cho lẫn người nhận buộc phải cùng giới tính, vóc dáng và nhóm máu tương xứng. Nhưng diễn tiến cho thấy sẽ thực hiện ca ghép từ đầu một người Nga, thân người Trung Quốc, như vậy kích cỡ đốt sống cổ khác nhau và những dị biệt về chủng tộc, màu da?

- Bác sĩ Ren Xiaopeng - người Trung Quốc - có lẽ muốn đặt nền tảng cho khoa học chứ chưa chắc là thành công. Ông này đã chọn được ba bệnh nhân (người nhận), còn giáo sư Canavero chọn được một bệnh nhân người Nga là kỹ sư bị teo tất cả phần dưới cơ thể. Bệnh nhân người Nga được ưu tiên hàng đầu.

Về mặt khoa học, ngoài các yêu cầu phải cùng giới tính, vóc dáng, nhóm máu tương xứng, bắt buộc phải chọn hai đầu tủy sống của người cho - người nhận khớp nhau 100%, vì vậy rất khó.

Còn những dị biệt về chủng tộc, tôi nghĩ có thể qua câu chuyện giáo sư Jean Bernard Otte - chuyên gia hàng đầu châu Âu về ghép gan trẻ em (người đã cộng tác với êkip Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM để thực hiện những ca ghép đầu tiên) đã là người đầu tiên trên thế giới dùng kỹ thuật splitting (tạm dịch: sẻ chia để ghép) cắt một gan người lớn (da trắng) chết não để ghép cho ba em bé bị suy gan giai đoạn cuối - gồm một bé da trắng, một da đen và một da vàng.

Thành công được ca ngợi khắp thế giới. Như vậy về mặt tương hợp giữa đầu người Nga - thân người Trung Quốc là không đáng lo, nhưng dĩ nhiên từng chủng tộc có những biến chứng khác nhau sau ghép nên người bác sĩ phải theo rất sát.

GS.TS Trần Đông A
GS.TS Trần Đông A

Khó khăn, phức tạp như vậy làm sao có thể triển khai tại VN năm 2017, từ việc chọn người nhận (đầu), người hiến (cho thân thể). Sau ghép còn phải chăm sóc hậu phẫu, dùng thuốc chống thải ghép suốt đời...?

- Đây là thông tin gây sốc, vì tại VN chưa ai nắm cái này. Ngay Trung Quốc cũng chưa ghép đầu cho người, mà mình nói ghép vào năm 2017 là mơ hồ, tốn kém rất lớn, không nên làm kiểu “bắn rồi chạy”.

Người ta sẽ không hiểu sau ghép, đầu người Nga sẽ là công dân Nga?

- Sau ghép thì cơ thể con người vẫn thuộc về người có cái đầu vì thân mình của người kia đã chết não coi như đã chết. Về ưu tiên, ngoài các yếu tố phù hợp về mặt sinh học, theo luật ghép đã quy định là bệnh nặng, tuổi ghép, người nằm đầu trong danh sách chờ lâu.

Ghép trên những người trong độ tuổi khỏe mạnh, còn sống nhiều năm, chứ người ta không thực hiện trên người lớn tuổi, cả người cho, ví dụ người cho gan, người ta không lấy gan của người cho trên 65 tuổi. Ở VN là người không quá 60 tuổi.

Ca ghép đầu người nếu thành công, người đó có sử dụng được các phần cơ thể được ghép giống như vừa rồi có tin ca ghép dương vật đầu tiên thành công đến mức có khả năng thực hiện chức năng sinh sản?

- Chỉ loan tin cho vui chứ mới ghép có mấy tuần làm sao sử dụng được. Người được ghép thì loan tin cho nó... le, còn bác sĩ thực hiện ca ghép là người Nam Phi cũng nói là ông không tin. Dương vật ghép thành công mềm oặt, muốn cứng lên khá phức tạp: về thần kinh, về mạch máu...

Theo nguyên tắc, cần ít nhất 100 ngày mới lành vết mổ về phương diện cơ thể học và sinh học, còn trước đó chỉ lành bằng mô liên kết chứ đừng nói là nó có cảm giác lại. Còn cái đầu ghép kia sẽ ra sao còn là một viễn cảnh, biết đâu có những đột phá và... ngược lại.

Về mặt pháp lý và y đức ở từng quốc gia có thuận lợi cho triển khai ngay ghép đầu?

- Luật pháp và y đức người ta đã bàn rồi. Ngay cả Mỹ cũng có người phản đối, có người ủng hộ. Trên thế giới cũng có người phản đối, có người ủng hộ, nhưng cuối cùng thì người ta cũng nói rằng: nếu ở nước mà được thực hiện phẫu thuật đó, thông qua pháp lý và các bệnh nhân này đồng ý tự mình ký giấy để làm xét nghiệm thì như vậy là phù hợp với y luật - về pháp lý lẫn chỉ định.

Bệnh nhân người Nga đã tự nguyện, khi có người phản đối thì ông nói: nếu ai bị hội chứng teo toàn thân như tôi thì hãy phản đối, vì ông chỉ còn cái đầu mà cả cơ thể không điều khiển được.

Như vậy cái đầu của người sống đồng ý còn cái thân của người chết não cũng phải được đồng ý?

- Đúng. Người ta phải đồng ý. Nếu ở nước được thực hiện đó có luật cho và nhận lẫn bệnh nhân được cho đồng ý thì đâu có gì sai.

Ca tiếp theo có nên tại VN?

- Đó là vấn đề còn phải có ý kiến của Nhà nước, theo tôi, nếu có luật thì cũng đồng ý vì ghép đầu cũng là ghép tạng. Nhưng ghép đầu trong thời điểm hiện tại thì chưa nên, vì điều kiện VN chưa cho phép, chưa đủ.

Ghép đã là khó rồi, nhưng vấn đề chăm sóc để bảo tồn thành quả còn khó gấp nhiều lần. Ví dụ ca mổ Việt Đức, chăm sóc Việt tốn vô cùng nhiều công sức, ngay cả những thầy thuốc giỏi vẫn phải đeo bám suốt.

Cả êkip phẫu thuật người ta có chịu ở lại chăm sóc hay không? Những ngày còn lại của người ta mình đủ khả năng chăm sóc không? Với người ghép đầu phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời, tốn kém rất lớn và không đơn giản.

Ngay cả việc lấy tạng ghép, ở châu Âu có EuroTransplant (Cơ quan điều phối ghép tạng) có thể lấy gan, lấy thận, lấy tay của người hiến bất kỳ từ nước nọ sang nước kia lâu rồi. Người ta đã chuẩn hóa chuyện lấy cơ quan. Nếu có người cho chết não thì bác sĩ tại đó lấy luôn. Họ có êkip chuyển thẳng bằng trực thăng và điều phối rất nhanh khi có một ca ghép nào đó bị trục trặc. Nhưng châu Á hiện giờ chưa hình thành, chỉ mong trong tương lai sẽ có.

Tại VN chúng ta mới bắt đầu áp dụng kỹ thuật lấy cơ quan nơi người cho chết não, còn phải hoàn chỉnh nhiều khâu. Vừa rồi có người chết não hiến tạng tại TP.HCM, phải vận chuyển ra Hà Nội vượt 2.000km bằng máy bay thường nên rất mất thời giờ và phí thời gian vàng.

Thời gian vàng rất quý, ghép càng sớm thời gian thiếu máu lạnh càng ít, hi vọng thành công càng cao. Nên trong thời điểm hiện tại, chúng ta chưa đủ điều kiện để tiến hành những ca phức tạp như ghép đầu và không thể bảo đảm được kết quả lâu dài.

Xin cảm ơn giáo sư.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận