Một cuộc thi cấp quốc gia có 91 đề tài đoạt giải. Trong số đó có 12 đề tài đoạt giải nhất là dấu hiệu đáng mừng, vì sân chơi khoa học kỹ thuật đã thu hút nhiều học sinh tham gia.
Nhưng nó cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi nghi ngờ vì các đề tài đoạt giải có độ khó cao so với khả năng thực tế của học sinh. Thậm chí là không tưởng với một đề tài về ứng dụng trong điều trị ung thư nếu không có sự hỗ trợ từ người lớn có chuyên môn.
Có thực sự là sản phẩm của học sinh?
Mỗi lần đọc tên các đề tài, tôi và nhiều đồng nghiệp tự hỏi: "Liệu đây đã thật sự là sản phẩm của học sinh?". Và cuộc thi đã thật sự khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng những kiến thức được thầy cô truyền đạt vào thực tiễn? Cho các em sân chơi bổ ích, giúp các em có "đất" thể hiện và trải nghiệm?
Và thú thật, đây không phải là lần đầu tiên tôi trăn trở về cuộc thi này. Vì trong mấy năm trở lại đây, tôi đã có dịp chứng kiến một số chuyện dở khóc dở cười xoay quanh cuộc thi.
Là cuộc thi nhằm giúp học sinh thỏa sức sáng tạo, say mê tìm tòi nghiên cứu khoa học thì vai trò chính phải là học sinh. Thầy cô chỉ phụ trách hỗ trợ giúp đỡ các em.
Nhưng nhiều trường đang làm ngược lại. Sợ học sinh không thể nghĩ ra đề tài. Không tham gia cuộc thi thì ảnh hưởng đến thành tích chung nên ở một số trường, phần việc "nặng nhọc" này được chia đều cho các tổ chuyên môn.
Đầu năm, trường sẽ yêu cầu giáo viên đăng ký đề tài thi khoa học kỹ thuật. Tổ nào cũng lo lắng, loay hoay. Đến hạn, dù muốn dù không các giáo viên cũng cố nộp cho được một đề tài. Và ôi thôi, đủ chuyện dở khóc dở cười. Có đề tài nghe tên thì "hoành tráng" mà chẳng có chút khả thi nào.
Có đề tài thì có khả năng thực hiện nhưng kinh phí trên trời. Một số đề tài khác lại khiến người ta nhanh chóng thất vọng vì chỉ cần vào Google gõ một cái là ra...
Giáo viên "mất ăn mất ngủ"
Đầu năm, bạn tôi cũng được yêu cầu tìm đề tài cho cuộc thi khoa học kỹ thuật. Bạn lo lắng, mất ăn mất ngủ. Sau mấy tuần không tìm ra đề tài, nghe người quen mách nước, bạn quyết định vào các nhóm giáo viên THCS trên mạng hỏi mua.
Và thật may là cuối cùng một đồng nghiệp trên mạng cũng chịu bán lại đề tài thi mấy năm trước với giá vài trăm. Thế là yên tâm đem nộp. Cứ theo cách làm này thì cuộc thi khoa học kỹ thuật không còn là cuộc thi của học sinh nữa. Nó là cuộc "chạy đua" thành tích của các trường, là "nỗi sợ" của giáo viên.
Tôi tiếp tục ngao ngán khi tìm hiểu quy trình thực hiện đề tài của nhiều nơi, nhiều trường. Là cuộc thi của học sinh nhưng nhiều giáo viên khi được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho học sinh lại bắt tay vào làm, tự mình hoàn thiện sản phẩm. Học sinh chỉ việc học thuộc bài thuyết trình và tập trình bày sao cho thật ấn tượng. Chính điều này khiến cuộc thi trở nên hình thức, không đem lại "giá trị" thật sự.
Để là sân chơi của học sinh
Vậy nên để cuộc thi khoa học kỹ thuật trở nên thú vị, là sân chơi của học sinh, các trường nên bắt đầu từ việc khuyến khích học sinh mạnh dạn nêu ý tưởng; thành lập các câu lạc bộ để học sinh có "đất" thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
Có hình thức khen thưởng hợp lý đối với những sáng tạo dù nhỏ nhưng hữu ích. Trong quá trình dạy học, giáo viên cũng cần quan tâm hơn đến việc khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm thay vì giáo viên làm hộ, làm thay như hiện nay.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét về quy trình tổ chức cuộc thi. Tránh trường hợp áp đặt số lượng đề tài, khiến các đề tài ra đời "như gà đẻ trứng" mà chất lượng thì còn nhiều vấn đề phải bàn cãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận