Trong một lần đi đá bóng phong trào, Đỗ Khải nảy ý tưởng mời gọi một số đồng nghiệp trưởng thành từ Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể thao TP về việc mở lớp dạy bóng đá cho trẻ em từ 6 - 15 tuổi. Mùa hè năm 2013, Đỗ Khải cùng cựu tuyển thủ quốc gia Anh Trung (cùng khóa 6 với Đỗ Khải, hiện đang công tác ở phòng chăm sóc khách hàng Bưu điện TP.HCM) và Nguyễn Ngọc Tiên Tiến (khóa 7, cựu trung vệ Cảng Sài Gòn, đang công tác tại phòng kỹ thuật Công ty Vinasun) mở lớp dạy bóng đá cộng đồng ở khu dân cư Trung Sơn (Bình Chánh). Việc chiêu sinh diễn ra bằng sự truyền miệng rồi nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng với sự góp sức của nhiều phụ huynh.
Đến nay, “lò” bóng đá này đã thu nhận hơn 50 học viên theo học vào sáng thứ bảy và chủ nhật hằng tuần với học phí 500.000 đồng/em/tháng. Tiếng lành đồn xa, lớp học này có hai “ngoại binh” là anh em Max (15 tuổi) và Matthew (7 tuổi) có cha mẹ đến từ Philippines đang dạy tiếng Anh ở TP. Thời lượng mỗi buổi học là 90 phút, nhưng trước sự nhiệt tình của các học viên, ba thầy giáo này thống nhất kéo dài lên 120 phút nhưng học phí vẫn giữ nguyên. Buổi học bắt đầu từ 8g30, thế nhưng khi biết các thầy luôn đến sớm để trao đổi giáo án, chuẩn bị học cụ nên nhiều học trò tiếp tục “ăn gian” giờ học bằng cách đến sớm để được chơi bóng, khởi động với các thầy. Anh Lê Hồng Vĩnh, phụ huynh bé Lê Hồng Thịnh, nói với Tuổi Trẻ: “Sau một thời gian học với các thầy, cháu nhà tôi từng bước thực hiện thuần thục một số động tác căn bản, biết thế nào là chiến thuật, sút bóng có lực hơn. Điều mà gia đình tôi mừng nhất là cháu dạn dĩ, tự tin hơn trong lớp học...”.
Hướng ánh mắt vào sân khi các học trò xếp hàng khởi động, Đỗ Khải nói: “Dạy trẻ ở các lớp bóng đá cộng đồng khác với các trường năng khiếu hay trung tâm đào tạo chuyên nghiệp ở chỗ các em chơi bóng theo cảm hứng, đam mê và hoàn toàn không có chút khái niệm gì về bóng đá cũng như năng khiếu bẩm sinh. Do vậy phải mất nhiều tháng liền mới hướng các em đi vào nề nếp. Động tác căn bản thì còn nhiêu khê hơn, nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn sau nhiều tháng khan giọng vì liên tục nói đi nói lại về kỹ năng dẫn bóng bằng má trong, má ngoài chân phải, chân trái. Nhìn nét mặt rạng ngời hạnh phúc của các em khi thực hiện chỉn chu một động tác, sự nhọc nhằn của chúng tôi vơi đi rất nhiều...”.
Cựu tuyển thủ Anh Trung bộc bạch: “Sau những giờ làm việc nhọc nhằn ở cơ quan, đến với lớp học giúp chúng tôi thư giãn, lấy lại sự thăng bằng rất nhanh bởi sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ”. Còn thầy Tiên Tiến (kiêm luôn việc hành chính, quản lý tiền bạc, thu xếp các buổi đá giao hữu trong và ngoài TP) nhỏ nhẹ nói: “Có làm thầy rồi mới cảm nhận được tình cảm, sự hi sinh mà các thầy ngày trước dốc bao tâm sức dạy dỗ lứa cầu thủ năng khiếu chúng tôi”.
Về mục tiêu của lớp học, Đỗ Khải cho biết: “Chúng tôi không có tham vọng đào tạo cầu thủ cho bóng đá nước nhà, mà chỉ mong muốn tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em sau giờ học văn hóa, biết nghĩ về cộng đồng...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận